Đề xuất quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Đề xuất quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (Hình từ internet)
Đề xuất quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
Cụ thể, dự thảo Thông tư đã đang đề xuất các quy định về phạm vi các vụ việc giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; tiếp nhận, thực hiện giám định tư pháp; áp dụng các quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; thời hạn giám định tư pháp; hồ sơ, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp.
Về phạm vi các việc giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, dự thảo Thông tư đã nêu:
Giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông là việc giám định về nội dung chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông theo quy định của pháp luật.
Sau đây là đơn cử một vài nội dung quy định đang được lấy ý kiến như sau:
* Quy trình giám định trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
- Việc giám định theo trưng cầu, yêu cầu trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được thực hiện theo quy trình như sau:
+ Giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu hoặc yêu cầu giám định;
+ Chuẩn bị giám định;
+ Thực hiện giám định;
+ Kết luận giám định;
+ Trả kết luận giám định;
+ Lập, lưu và bảo quản hồ sơ giám định;
- Ban hành kèm theo dự thảo Thông tư sơ đồ quy trình giám định trong lĩnh vực tư pháp (Phụ lục I).
* Chuẩn bị giám định tư pháp
(1) Trên cơ sở nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định và hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu kèm theo, người thực hiện giám định xác định sơ bộ nội dung chuyên môn, công việc cần thực hiện; yêu cầu người trưng cầu giám định cung cấp bổ sung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu cần thiết cho việc giám định trong trường hợp chưa được cung cấp đầy đủ.
(2) Người thực hiện giám định lập đề cương giám định, trường hợp cần thiết thì gửi lấy ý kiến người trưng cầu, yêu cầu giám định. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, người trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm gửi văn bản trả lời đối với đề cương giám định.
Đề cương giám định bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Đối tượng hoặc nội dung cần giám định và phạm vi giám định; thời gian dự kiến hoàn thành việc giám định;
- Xác định phương pháp thực hiện giám định, các quy chuẩn chuyên môn được áp dụng;
- Xác định nội dung, chi tiết cần xác minh hoặc khảo sát đối tượng giám định phục vụ cho việc giám định (nếu cần thiết);
- Dự kiến phương tiện, vật tư, trang thiết bị được sử dụng (nếu có);
- Dự kiến chi phí cần cho việc thực hiện giám định; tạm ứng và thanh toán chi phí giám định;
- Các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.
(3) Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định lập hồ sơ đề nghị tạm ứng chi phí giám định và gửi người trưng cầu, yêu cầu giám định. Người trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm xem xét và thực hiện việc tạm ứng theo đề nghị cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định theo quy định của pháp luật.
* Thực hiện giám định tư pháp
(1) Việc thực hiện giám định trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được tiến hành như sau:
- Nghiên cứu, phân tích kỹ hồ sơ trưng cầu, đối tượng giám định và các tài liệu, thông tin được người trưng cầu, yêu cầu giám định đã giao, cung cấp;
- Xác định rõ đối tượng, những nội dung chuyên môn cần xem xét, đánh giá;
- Tiến hành khảo sát hoặc xác minh vấn đề cần thiết có liên quan mà người trưng cầu, yêu cầu giám định không thể cung cấp được tài liệu, thông tin về vấn đề đó (nếu có);
- Tiến hành so sánh, đối chiếu vấn đề hoặc đối tượng cần giám định với quy chuẩn chuyên môn về vấn đề hoặc đối tượng cần giám định;
- Đưa ra nhận xét, đánh giá, nêu ý kiến chuyên môn cụ thể, rõ ràng về vấn đề hoặc đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định;
- Xây dựng, ban hành bản kết luận giám định;
- Lập hồ sơ giám định.
(2) Trong quá trình thực hiện giám định, người giám định tư pháp có thể sử dụng ý kiến hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác đưa ra, phục vụ cho việc giám định.
(3) Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết và thống nhất phương án giải quyết.
(4) Người thực hiện giám định phải lập văn bản ghi nhận toàn bộ quá trình thực hiện giám định theo quy định tại Điều 31 Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và theo biểu mẫu quy định tại Điều 23 dự thảo Thông tư.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Thông tư, dự kiến thay thế Thông tư 24/2013/TT-BTTTT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.