Các trường hợp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp năm 2024
Nội dung bài viết trình bày các trường hợp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp theo quy định pháp luật hiện hành.
Các trường hợp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp năm 2024 (Hình ảnh từ Internet)
1. Quy định về Văn phòng giám định tư pháp
Tại Điều 12 Nghị định 85/2013/NĐ-CP quy định về Văn phòng giám định tư pháp như sau:
- Văn phòng giám định tư pháp được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2012, Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 85/2013/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đối với Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải là giám định viên tư pháp. Văn phòng giám định tư pháp có thể có thành viên góp vốn.
- Tên gọi Văn phòng giám định tư pháp bao gồm cụm từ “Văn phòng giám định tư pháp” và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu của Văn phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Văn phòng giám định tư pháp có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
2. Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng giám định tư pháp
Tại Điều 18 Nghị định 85/2013/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của Văn phòng giám định tư pháp như sau:
* Văn phòng giám định tư pháp có quyền:
- Thuê giám định viên tư pháp và nhân viên làm việc cho Văn phòng;
- Thu chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;
- Được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định tại Điều 22 Nghị định 85/2013/NĐ-CP.
* Văn phòng giám định tư pháp có nghĩa vụ:
- Niêm yết công khai chi phí giám định tư pháp;
- Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động thuộc Văn phòng theo quy định của pháp luật;
- Chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê; chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra;
- Báo cáo Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo định kỳ hàng năm;
- Nộp lệ phí đăng ký hoạt động theo mức lệ phí đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật có liên quan.
* Các quyền và nghĩa vụ theo quy định, của Luật Giám định tư pháp 2012, pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Các trường hợp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp năm 2024
Tại Điều 20 Nghị định 85/2013/NĐ-CP thì văn phòng giám định tư pháp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không còn đủ giám định viên tư pháp theo quy định;
- Thực hiện giám định tư pháp không đúng lĩnh vực đã đăng ký;
- Vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai mà còn tái phạm;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 85/2013/NĐ-CP.
Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 16 về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.