Những tấm gương khuyết tật đầy nghị lực được vinh danh tại 'Tỏa sáng nghị lực Việt' năm 2024
Dù gặp bất tiện với cơ thể và sức khỏe 'khiếm khuyết' nhưng 38 gương thanh niên khuyết tật được vinh danh tại ‘Tỏa sáng nghị lực Việt’ năm 2024 vẫn nỗ lực nắm bắt các cơ hội, khởi nghiệp và gặt hái thành công nhất định, hỗ trợ tạo công việc cho nhiều người.
Những tấm gương ‘tỏa sáng nghị lực Việt’
Nguyễn Ngọc Nhứt và Trần Ái Hải Sơn là hai trong số 38 tấm gương khuyết tật tiêu biểu được vinh danh tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2024 diễn ra tối 7/10, tại Hà Nội. Chương trình là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và công ty TCP Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực.
Nguyễn Ngọc Nhứt, SN 1999, ở Thừa Thiên Huế vẫn được mọi người biết đến với cái tên ‘Cụt yêu đời’ trên nền tảng Tiktok. Chàng sinh viên bị khuyết tật vận động, mất hai phần tay dưới khuỷu nhưng lại khiến nhiều người ngưỡng mộ trước nghị lực sống.
Năm 16 tuổi, biến cố ập đến với Nhứt khi bị mất hai bàn tay. Không từ bỏ số phận, Nhứt bắt đầu học cách sinh hoạt bằng "đôi tay mới" của mình. Năm 2020, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nhứt theo học tại trường ĐH Công nghệ TP HCM. Và tại chính nơi đây, Nhứt đã xây dựng các kênh mạng xã hội với tên 'Cụt yêu đời' để chia sẻ câu chuyện cuộc sống của mình đến các anh chị người khuyết tật khác, giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc đời.
Năm 2023, Nhứt cùng bạn bè thành lập nhóm "Gia đình thứ 2" với gần 40 thành viên là người khuyết tật. Đây là nơi những người khiếm khuyết như Nhứt có thể trao đổi cách thức tự chăm sóc bản thân mình và chia sẻ các kinh nghiệm việc làm giữa các thành viên. Không chỉ vậy, Nhứt còn thường xuyên tham gia trong các hoạt động của tổ chức người khuyết tật DRD và tình nguyện viên của các chương trình trao yêu thương đến đồng bào các tỉnh vùng cao hay các chương trình nhặt rác bảo vệ môi trường…
Khi được tôn vinh tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt", Ngọc Nhứt tâm sự cảm thấy vinh dự và hạnh phúc vô cùng. "Tôi biết rằng dù chúng ta là ai đi chăng nữa, cuộc sống cũng không hề nhẹ nhàng với chúng ta. Mà chúng ta phải luôn phấn đấu, tiến về phía trước. Hãy như những đóa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngã lại phía sau" – Nhứt chia sẻ.
Bản thân mắc căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ giống cha và chị gái nhưng Trần Ái Hải Sơn (SN 1998) ở xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đã nỗ lực vươn lên. Do di chứng nhiều xương gãy, đôi tay, đôi chân Hải Sơn dần biến dạng, không thể di chuyển bằng đôi chân của mình. Sơn vẫn quyết tâm đến trường để có thể học tập như bạn bè đồng trang lứa. Nhờ tình yêu thương, hy sinh của mẹ và sự nỗ lực không ngừng của bản thân, 12 năm đến trường, Sơn đều là học sinh khá, giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức" và cuối cùng ý chí của chàng trai ấy đã chiến thắng. Sau 12 năm đèn sách, Sơn trúng tuyển vào khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Bằng ý chí khẳng định giá trị bản thân và mang lại giá trị tốt đẹp cho những người đồng cảnh ngộ, sau khi ra trường, Sơn trở thành chàng kỹ sư công nghệ thông tin phục vụ Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH). Ngoài ra, Sơn cũng thường xuyên tham gia các hội thi dành cho người khuyết tật, các chương trình truyền cảm hứng về nghị lực sống, lan tỏa những thông điệp tích cực trong xã hội.
"Với tôi, vầng trăng tròn thì luôn được đánh giá đẹp hơn, nhưng vầng trăng khuyết cũng có thể chiếu sáng cả một bầu trời. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, cuộc đời sẽ không bao giờ bỏ bạn. Ngày hôm nay nhận được phần thưởng ‘Tỏa sáng nghị lực Việt’, đó là động lực để cá nhân tôi phấn đấu nhiều hơn để mang lại nhiều điều tích cực cho cộng đồng" – Sơn chia sẻ.
Góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên
Sau gần 3 tháng triển khai từ ngày 01/5/2024, Ban Tổ chức chương trình 'Tỏa sáng nghị lực Việt' 2024 đã nhận được 118 hồ sơ của 68 đơn vị, tổ chức giới thiệu. Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu để tuyên dương.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy khẳng định, 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương dịp này dù hiện đang sinh sống, học tập, công tác ở các lĩnh vực khác nhau nhưng đều có điểm chung là tinh thần không cam chịu hoàn cảnh, nỗ lực vượt qua rào cản, khiếm khuyết về thể chất, tổn thương về tinh thần, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội.
"Mỗi câu chuyện của các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh của ý chí và tinh thần không ngừng vươn lên trên hành trình tỏa sáng ước mơ của chính mình. Các bạn thanh niên khuyết tật đã chứng minh rằng không gì là không thể, rằng với ý chí và tinh thần quyết tâm, chúng ta có thể vượt qua mọi giới hạn", Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khẳng định.
38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Năm nay bên cạnh lễ tuyên dương, Ban Tổ chức tiếp tục tổ chức hoạt động Đồng hành Thanh niên khuyết tật khởi nghiệp mong muốn tìm ra các mô hình khởi nghiệp phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả.
Năm 2024, đánh dấu cột mốc 5 năm hợp tác vững bền giữa Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và TCP Việt Nam. Trong suốt thời gian đồng hành, chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" đã tôn vinh 237 thanh niên khuyết tật tiêu biểu.
Các tấm gương khuyết tật được vinh danh trong Chương trình ‘Tỏa sáng nghị lực Việt’ năm 2024 ngoài được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và 01 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.