01 tài khoản giao thông được chi trả tối đa cho bao nhiêu xe?
Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về 01 tài khoản giao thông được chi trả tối đa cho bao nhiêu xe?
01 tài khoản giao thông được chi trả tối đa cho bao nhiêu xe? (Hình từ internet)
1. Tài khoản giao thông là gì?
Theo khoản 2 Điều 43 Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 01/01/2025) thì tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.
2. 01 tài khoản giao thông được chi trả tối đa cho bao nhiêu xe?
Tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 119/2024/NĐ-CP có quy định mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện tham gia giao thông thuộc sở hữu của chủ phương tiện; mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.
Theo đó, đối tượng mở tài khoản giao thông bao gồm:
- Chủ phương tiện là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
- Chủ phương tiện là tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định nêu trên 01 tài khoản giao thông được chi trả cho nhiều phương tiện tham gia giao thông thuộc sở hữu của chủ phương tiện.
Tuy nhiên, mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.
3. 07 hành vi bị nghiêm cấm trong trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ
Những hành vi không được thực hiện trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ được quy định tại Điều 5 Nghị định 119/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Phá hủy, làm giả, xoá dữ liệu hoặc can thiệp nội dung thẻ đầu cuối; chuyển thẻ đầu cuối từ phương tiện tham gia giao thông này sang phương tiện tham gia giao thông khác.
- Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, đánh cắp dữ liệu, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.
- Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình tham gia các hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
- Tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến dữ liệu cá nhân không đúng theo quy định của pháp luật.
- Mở hoặc duy trì tài khoản giao thông nặc danh, mạo danh.
- Các hành vi cố tình trốn tránh, gian lận trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
- Cạnh tranh không lành mạnh giữa các Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.
4. Quy định về sử dụng tài khoản giao thông
Căn cứ Điều 12 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định sử dụng tài khoản giao thông như sau:
(1) Chủ phương tiện phải bảo đảm đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
(2) Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc thì phương tiện không được đi qua trạm thu phí đường bộ trên đường cao tốc.
(3) Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản (2).
(4) Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản (2), khoản (3) thì thực hiện các hình thức thanh toán khác tại điểm thu.
(5) Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ sử dụng trực tiếp các tài khoản giao thông do mình quản lý để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ cung cấp.
(6) Khi có yêu cầu hoặc được sự đồng ý của chủ tài khoản giao thông, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ sử dụng thông tin tài khoản giao thông thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho chủ phương tiện.
(7) Trong trường hợp Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông không duy trì được dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải quyết định việc sử dụng tài khoản giao thông để bảo đảm không gián đoạn hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ trên cơ sở đồng ý của chủ tài khoản giao thông.