Người phụ nữ 50 tuổi phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối sau khi bỏ qua dấu hiệu cảnh báo bệnh này

08/10/2024 09:59

Bỏ qua dấu hiệu chán ăn, đau bụng âm ỉ vì nghĩ rằng đó là dấu hiệu tuổi tác. Sau đó một thời gian đi khám, bà bất ngờ nhận kết quả bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối.

Đau bụng âm ỉ, đi khám phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối 

Vừa qua, bác sĩ Fang Guanjie ( người Đài Loan, Trung Quốc) đã chia sẻ về một trường hợp một người phụ nữ 50 tuổi đang khỏe mạnh, nhưng chỉ sau thời gian ngắn đau bụng, đi khám đã phát hiện bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối.

Được biết, người phụ nữ này luôn cho rằng mình khỏe mạnh vì rất ít khi đau ốm, ăn ngon và ngủ ngon. Nhưng vài tháng trước, bà bắt đầu cảm thấy chán ăn, đau bụng âm ỉ nhưng cho rằng đó là dấu hiệu tuổi tác nên không quá quan tâm.

Đến khi phát hiện nước tiểu của mình có màu nâu, điều chỉnh chế độ ăn uống thời gian dài vẫn không thay đổi mới chịu đi khám. Khi nhận được kết quả chẩn đoán bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối, bà vô cùng hối hận bởi sự chủ quan của mình.

Người phụ nữ 50 tuổi phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối sau khi bỏ qua dấu hiệu cảnh báo bệnh này - Ảnh 2.
Ảnh minh họa

Ung thư tuyến tụy là gì?

Ung thư tụy xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy bắt đầu sản sinh quá mức vượt quá tầm kiểm soát và tạo thành một khối u.

Các loại ung thư tụy phổ biến nhất thường phát sinh từ tuyến ngoại tiết và được gọi là carcinom tuyến của tụy. Carcinom tuyến của tụy là một trong những loại ung thư xâm lấn nhất. Vào thời điểm chẩn đoán, hầu hết các trường hợp ung thư đều đã di căn đến các vị trí khác của cơ thể.

Nguyên nhân nhân gây ung thư tuyến tụy

Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ điều gì làm tăng khả năng phát triển ung thư đều được xem là yếu tố nguy cơ. Yếu tố nguy cơ có thể đến từ những hoạt động của chính bản thân người bệnh, tác động từ môi trường sống xung quanh hoặc được truyền từ bố mẹ sang con cái qua bộ gen (gen là bộ mã hóa cho các tế bào trong cơ thể chúng ta). 

Yếu tố nguy cơ của ung thư tụy có thể bao gồm: Thói quen hút thuốc lá; sử dụng thức uống nồng độ cồn cao; béo phì hoặc thừa cân, lười vận động; yếu tố di truyền; tiền đái tháo đường, bệnh đái tháo đường lâu năm, sử dụng thuốc tiểu đường lâu năm; viêm tụy mạn tính; tiền căn gia đình mắc viêm tụy hoặc ung thư tụy; thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và kim loại nặng...

Cảnh giác với các dấu hiệu ung thư tụy 

Người phụ nữ 50 tuổi phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối sau khi bỏ qua dấu hiệu cảnh báo bệnh này - Ảnh 3.
Ảnh minh họa

Ung thư tụy là căn bệnh ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm bởi khó phát hiện, khó điều trị và tỉ lệ tử vong cực cao. Vì vậy, nếu gặp các dấu hiệu liệt kê dưới đây, người bệnh cần thăm khám bác sĩ:

Các triệu chứng có thể gặp của ung thư tụy như: Sụt cân; buồn nôn, đau bụng hoặc đau lưng; nước tiểu sậm màu, tiêu phân mỡ hoặc phân bạc màu; vàng da, vàng mắt (vàng da nặng có thể gây ngứa), đái tháo đường, phát hiện cục máu đông trong tĩnh mạch hai chân.

Triệu chứng vàng da, tiểu sậm màu là hệ quả của việc tăng bilirubin trong máu. Bilirubin là một chất màu vàng-nâu được tìm thấy trong mật ruột. Bilirubin có trong máu khi các tế bào hồng cầu bị phá hủy. Mật là một chất được tạo thành trong gan giúp tiêu hóa mỡ. Mật từ gan sẽ đi theo ống dẫn mật tới đoạn đầu tụy sẽ gộp với ống tụy chính và đổ vào tá tràng (đoạn đầu tiên của ruột non) ngay vị trí bóng Vater. Một khối u trong tụy có thể gây vàng da vì u chèn ép làm tắc ống dẫn mật. Khi ống mật bị tắc, bilirubin trong mật không được thải qua phân sẽ ứ đọng trong máu gây vàng mắt, vàng da, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu.

Cách phòng ngừa bệnh ung thư tụy

Theo các chuyên gia y tế, bạn không thể ngăn ngừa ung thư tụy, nhưng có thể chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư tụy, như:

- Nói không với thuốc lá.

- Hạn chế thức uống có nồng độ cồn cao.

- Ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…

- Giảm lượng thịt đỏ, đường, thực phẩm chế biến sẵn.

- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại như Amiang, thuốc trừ sâu, hóa dầu; cần mang đồ bảo hộ cẩn thận khi hoạt động trong môi trường hóa nhất;

- Duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng cơ thể, thường xuyên tập luyện thể thao phù hợp với sức khỏe;

- Tầm soát ung thư tụy định kỳ nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy (tiền căn gia đình, đột biến gen đã biết…)