Quy định học sinh được điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy như thế nào?
Hiện nay, tình trạng học sinh của các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa điều khiển các loại phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi đến trường đang diễn ra khá phổ biến. Điều này vi phạm luật giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Hành vi vi phạm này của các em học sinh và việc giao xe của các bậc phụ huynh cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được tuyên truyền, ký cam kết tại các nhà trường, khu dân cư, thậm chí bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện, lập biên bản xử phạt.
Tuy nhiên trên thực tế, các em học sinh và nhiều phụ huynh có con em đang học tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm, tìm hiểu rõ và biết được cụ thể “độ tuổi” chính xác của các em được phép điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện đến trường.
Vì vậy vẫn mua các loại xe này và để các em điều khiển đến trường, khi bị phát hiện, xử lý vi phạm nhiều học sinh, phụ huynh cảm thấy bất ngờ, thậm chí có thái độ không đồng tình hoặc thiếu hợp tác với lực lượng chức năng do chưa nắm vững quy định này.
Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Công ty Luật Sao Việt) cho biết: Tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về độ tuổi điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy như sau:
Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 (Ví dụ: Em học sinh Nguyễn Văn A, sinh ngày 27/8/2009, hiện đang là học sinh lớp 10, đến ngày 27/8/2025 em A mới đủ 16 tuổi, khi đó em mới được phép điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Nếu thời điểm hiện tại, em A điều khiển phương tiện là vi phạm luật Giao thông đường bộ vì em chưa đủ 16 tuổi).
Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự (Ví dụ: Em học sinh Nguyễn Văn B, sinh ngày 18/8/2007, hiện đang là học sinh lớp 12, đến ngày 18/8/2025 em B mới đủ 18 tuổi, khi đó em mới được phép điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên (với điều kiện phải có Giấy phép lái xe phù hợp theo quy định).
Nếu thời điểm hiện tại, em B điều khiển phương tiện là vi phạm luật Giao thông đường bộ vì em chưa đủ 18 tuổi.
Theo đó, nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh; lực lượng CSGT Thanh Hóa tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên; đồng thời tăng cường phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói chung và quy định về độ tuổi được phép lái xe, các loại xe các em học sinh được phép điều khiển, không được phép điều khiển, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các em và phụ huynh khi xảy ra vi phạm nói riêng.
Mức xử phạt đối với người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP): Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
Mức xử phạt lỗi giao xe hoặc để cho người chưa đủ 18 tuổi điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy (quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP):
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy.
Phạt từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.
Trường hợp nếu xảy ra tai nạn giao thông, thì theo tính chất mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đồng loạt ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Trong đó tập trung vào các lỗi: Điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chạy dàn hàng ngang; lạch lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển…
Công an TP Thanh Hóa đã huy động tổng lực các lực lượng đồng loạt ra quân tuyên truyền và kiểm tra, xử lý các trường hợp thanh thiếu niên, học sinh vi phạm trật tự giao thông.
Bên cạnh việc lập biên bản người vi phạm, lực lượng Công an đã tiến hành lập biên bản tạm giữ các phương tiện vi phạm đối với những trường hợp chưa đủ tuổi lái xe theo quy định.
Cá biệt có không ít phụ huynh cũng mắc lỗi khi điều khiển mô tô, xe máy đến đưa, đón con như không đội mũ bảo hiểm, chở con em ngồi đằng sau không đội mũ bảo hiểm, giao phương tiện cho học sinh khi chưa đến tuổi…
Trong quá trình xử lý vi phạm, Công an TP đã kết hợp tuyên truyền, giáo dục để các em học sinh và phụ huynh hiểu rõ những sai phạm, từ đó tự giác chấp hành, không tái phạm.