Jeff Bezos thành công nhờ 'nghi thức' một giờ mỗi sáng
Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cho biết ông có sự nghiệp thành công một phần nhờ 'nghi thức' đi dạo bộ một giờ mỗi sáng.
Tỷ phú 60 tuổi giải thích ông bắt đầu một ngày bằng việc "đi lăng xăng" bên ngoài, không nhìn vào màn hình, chỉ có ông và những suy nghĩ. Jeff Bezos bắt đầu đi dạo mỗi sáng kể từ năm 2018. Ông nói thói quen này giúp cải thiện kỹ năng ra quyết định và làm việc năng suất.
Nhà sáng lập Amazon lần đầu nói về "nghi thức" mỗi sáng trong một bài phát biểu tại sự kiện Economic Club tại Washington năm 2018. Tỷ phú Mỹ cho hay quá trình này giúp ông sảng khoái trước hầu hết các cuộc gặp quan trọng. "Đó là lý do tôi thường đặt lịch họp đầu tiên lúc 10h. Tôi thích tiến hành các cuộc gặp IQ cao trước bữa trưa bởi đến 17h là tôi kiểu như không thể nghĩ thêm về vấn đề này hôm nay", Jeff Bezos nói.
Cuối năm ngoái, tỷ phú công nghệ cho biết thêm về chiến lược "đi lăng xăng" mỗi sáng rằng đơn giản ông chỉ di chuyển chậm rãi xung quanh. "Tôi không đi năng suất như bạn nghĩ đâu. Trong những giờ đầu, tôi đi khá chậm. Tôi dậy sớm một cách tự nhiên và sau đó bạn biết đấy ngày nào tôi cũng tập thể dục", Jeff Bezos nói.
Ngoài việc đi dạo mỗi sáng, tỷ phú giàu thứ ba thế giới (theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index hôm 6/10) đề cao vai trò của giấc ngủ. "Tôi đi ngủ sớm và cũng dậy sớm. Tôi cần ngủ 8 tiếng. Tôi nghĩ như vậy tốt hơn bởi tôi có nhiều năng lượng và tâm trạng cũng tốt hơn", ông có lần cho biết.
Thói quen đi dạo buổi sáng tránh xa các thiết bị điện tử của Jeff Bezos cũng được khoa học chứng minh có liên quan đến sức khỏe. Nhà vật lý trị liệu Maris Loeffler - chuyên gia điều trị rối loạn căng thẳng và lo âu của Standford - nói việc lướt điện thoại sáng sớm có thể làm sức khỏe tinh thần bị hủy hoại một cách từ từ.
"Nếu bạn nằm trên giường lướt điện thoại một giờ chỉ một buổi sáng thì ảnh hưởng tiêu cực tối thiểu thôi nhưng nếu nó trở thành thói quen ngày qua ngày, tháng này qua tháng khác, hành vi này có thể ảnh hưởng xấu", chuyên gia này nói.
Loeffler trích dẫn một nghiên cứu thần kinh học cho thấy việc người lớn ngồi trước màn hình ngày càng nhiều có thể bị suy giảm khả năng học tập, trí nhớ và sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu khác chỉ ra mối liên hệ đáng lo ngại giữa chứng "nghiện" xem TV (nhiều hơn 5 giờ mỗi ngày) với nguy cơ cao bị mắc bệnh mất trí nhớ, bệnh Parkinson và các bệnh liên quan tới não. Nghiên cứu sâu hơn cũng đề cập tới hiện tượng suy giảm chất xám ở não với những người lớn dán mắt vào màn hình từ hai tiếng trở lên mỗi ngày ngoài giờ làm việc.
An Nhiên (Theo Mail)