Hỗ trợ 80 tỷ đồng cho 04 tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Xét đề nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão cho 04 tỉnh.
Hỗ trợ 80 tỷ đồng cho 04 tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Hình từ Internet)
Hỗ trợ 80 tỷ đồng cho 04 tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Ngày 06/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1104/QĐ-TTg. Theo đó, hỗ trợ 80 tỷ đồng (tám mươi tỷ đồng) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 04 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân (gồm: Sơn La 20 tỷ đồng, Tuyên Quang 20 tỷ đồng, Lạng Sơn 20 tỷ đồng, Phú Thọ 20 tỷ đồng) như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản 10329/BTC-NSNN ngày 28/9/2024. Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.
Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ có trách nhiệm phân bổ cụ thể và sử dụng số kinh phí được bổ sung nêu trên bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đúng mục đích sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực; sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cùng với nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm a mục 2 phần II Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024, cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bố trí dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để hỗ trợ các địa phương theo quy định pháp luật.
Theo Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024, bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài; phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gãy đổ...
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại. Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân... cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ để ổn định đời sống người dân.