Hai "nữ quái" trong đường dây mua bán trẻ em liên tỉnh có thể đối diện mức án nào?

27/10/2021 11:16

Mờ mắt trước đồng tiền, Loan và Mận đã gom nhiều trẻ em và phụ nữ đang mang thai tại nhiều tỉnh thành để thực hiện hành vi mua bán người qua biên giới.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Loan (46 tuổi, trú tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) và Nguyễn Thị Mận (38 tuổi, ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi".

Trước đó, trong quá trình kiểm tra một nhà nghỉ tại khu vực Bến xe khách liên tỉnh thuộc tổ 10 (phường Đề Thám, TP. Cao Bằng), cơ quan chức năng phát hiện Nguyễn Thị Mận cùng ba phụ nữ khác và một trẻ sơ sinh có nhiều biểu hiện nghi vấn nên mời về trụ sở làm việc.

Tại cơ quan công an, ba phụ nữ khai nhận di chuyển từ các tỉnh Lâm Đồng, Nam Định, Lạng Sơn đến Cao Bằng gặp Mận để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bán con.

Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng xác định, từ đầu năm 2021, Trần Thị Loan có hành vi chỉ đạo, hướng dẫn một số phụ nữ đang mang thai di chuyển từ các địa phương đến thành phố Cao Bằng để giao cho Nguyễn Thị Mận đưa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bán con. Ngoài ra, Mận còn nhận đón thêm một số phụ nữ theo sự chỉ dẫn của các đối tượng khác cũng với mục đích tương tự.

Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã truy bắt đối tượng Trần Thị Loan. Qua khám xét nhà riêng của Loan tại phường An Phú Đông, Quận 12 TP. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phát hiện thêm hai phụ nữ, hai trẻ em và một phụ nữ đang mang thai.

Hai

Chân dung 2 "nữ quái" trong đường dây mua bán trẻ em liên tỉnh. Ảnh:TTX

Liên quan tới vụ việc trên, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ, buôn bán người, buôn bán trẻ em là những vấn đề nhức nhối trong nhiều năm nay. Vì nhiều lý do khác nhau nên hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó có thể kể đến các nguyên nhân như: Nhu cầu nhận trẻ em làm con nuôi ở các quốc gia khác, với người nước ngoài là rất nhiều, trong khi thủ tục hành chính tương đối phức tạp và nhiều người không có điều kiện đến Việt Nam để làm giấy tờ nên đã nhờ các đối tượng buôn người mua bán trẻ em để làm con nuôi; Nhiều trẻ em bị bỏ rơi, không có người chăm sóc đã bị các đối tượng xấu lôi kéo, chiếm đoạt xem như món hàng mua bán kiếm lời; Hay có thể nói tới hiện tượng nghèo khó, thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa dẫn đến khó kiểm soát tình trạng mua bán người và mua bán trẻ em.

Hành vi buôn bán người là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân và có thể gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội. Rất nhiều người trở thành món hàng, bị đối xử tàn nhẫn, bị bóc lột, thậm chí bị sát hại để phục vụ cho các mục đích phi pháp của các đối tượng buôn bán người.

Bởi vậy, tất cả các quốc gia đều nghiêm cấm hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những hình phạt nghiêm khắc. Hoạt động buôn bán người mà chủ yếu là phụ nữ, trẻ em diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, có những nhóm tội phạm xuyên quốc gia thực hiện hoạt động tội phạm có tổ chức. Bởi vậy các quốc gia có các hiệp định tương trợ tư pháp để đấu tranh với nhiều loại hình tội phạm trong đó có buôn bán người. Tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi được quy định tại điều 150 và điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với hành vi mua bán người từ 16 tuổi trở lên thì hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 20 năm tù. Còn đối với hành vi mua bán người là trẻ em, người dưới 16 tuổi thì hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân.

Để ngăn chặn loại tội phạm này cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu hoàn thiện pháp luật, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc phòng chống tội phạm thì công tác đấu tranh mới thực sự hiệu quả.

C.Lê