Xin cho tôi hỏi Quân chủng Hải quân là gì? Cấp bậc hàm trong lực lượng Quân chủng Hải quân được quy định thế nào? - Hà Anh (Kiên Giang)
Quân chủng Hải quân là gì? Cấp bậc hàm trong lực lượng Quân chủng Hải quân (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Thành lập ngày 07/5/1955, Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trên các vùng biển, đảo của Việt Nam và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thuộc chủ quyền quốc gia, sẵn sàng chiến đấu, độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến, đánh bại cuộc tiến công xâm lược trên hướng biển; giữ vững an ninh trật tự, đấu tranh với mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo vệ hoạt động kinh tế biển và các hoạt động khác trên các vùng biển, đảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Tổ chức Quân chủng Hải quân bao gồm Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc. Bộ Tư lệnh có Tư lệnh, Chính ủy, các Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy và các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Các đơn vị trực thuộc gồm các Bộ Tư lệnh Vùng Hải quân (Bộ Tư lệnh Vùng 1, 2, 3, 4, 5), một số lữ đoàn, học viện, nhà trường, đơn vị kinh tế - quốc phòng, viện kỹ thuật. Ở mỗi vùng, Hải quân tổ chức thành Bộ Tư lệnh Vùng và các đơn vị trực thuộc là các trung tâm, lữ đoàn và các đơn vị bảo đảm, phục vụ.
Quân chủng Hải quân được xây dựng và phát triển cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại với thành phần gồm 5 binh chủng: Tàu mặt nước, Tàu ngầm; Không quân Hải quân; Pháo binh - Tên lửa bờ; Hải quân đánh bộ; Đặc công Hải quân; ngoài ra còn có các đơn vị bảo đảm, phục vụ như Thông tin, Ra-đa, Tác chiến điện tử, Công binh, Hóa học,... Các lực lượng trên đã được tăng cường, đưa vào biên chế nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại như tàu ngầm Kilo 636, tàu hộ vệ tên lửa GEPARD 3.9, tàu tên lửa 12418, tàu pháo TT- 400TP, tàu tuần tiễu pháo 10412; tên lửa bờ BASTION; máy bay EC-225, DHC-6; ra-đa cảnh giới SCORE-3000; bộ đội được huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, qua đó nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trải qua quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân chủng Hải quân đã hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Quân chủng Hải quân là đồng chí Tạ Xuân Thu.
Ngày truyền thống: 07/5/1955
Phần thưởng cao quý:
- Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;
- 02 Huân chương Sao vàng (1985 và 2010);
- 01 Huân chương Hồ Chí Minh (1979);
- 02 Huân chương Độc lập (hạng Nhất năm 2000; hạng Nhì năm 1965);
- 03 Huân chương Quân công (01 hạng Nhất 1984; 02 hạng Nhì năm 1964 và năm 1983);
- 01 Huân chương Lao động hạng Ba (1963).
Ngoài ra, Quân chủng Hải quân còn có 64 lượt Đơn vị Anh hùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động (trong đó Đội 1 thuộc Đoàn 126 được tuyên dương 3 lần; các đơn vị 125, 126, 101, 83, 131, tàu HQ 671 được tuyên dương 2 lần) và 34 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 6.937 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng...
Nguồn: Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng
Hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan gồm ba cấp, mười một bậc:
- Cấp Uý có bốn bậc:
+ Thiếu uý;
+ Trung uý;
+ Thượng uý;
+ Đại uý.
- Cấp Tá có bốn bậc:
+ Thiếu tá;
+ Trung tá;
+Thượng tá;
+ Đại tá.
- Cấp Tướng có bốn bậc:
+ Chuẩn Đô đốc Hải quân;
+ Phó Đô đốc Hải quân;
+ Đô đốc Hải quân.
(Điều 10 Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam 1999)
(1) Tiêu chuẩn chung:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn hành tốt mọi nhiệm vụ được giao;
- Có phẩm chất đạo đức cách mạng; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; tôn trọng và đoàn kết với nhân dân, với đồng đội; được quần chúng tín nhiệm;
- Có trình độ chính trị, khoa học quân sự và khả năng vận dụng sáng tạọ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân; có kiến thức về văn hoá, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác; có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định đối với từng chức vụ;
- Có lý lịch rõ ràng, tuổi đời và sức khoẻ phù hợp với chức vụ, cấp bậc quân hàm mà sĩ quan đảm nhiệm.
(2) Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức vụ của sĩ quan do cấp có thẩm quyền quy định.
(Điều 12 Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam 1999)