Quản lý thị trường có quyền kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nào? Đồng thời, việc ban hành dựa vào những căn cứ nào?
Căn cứ Điều 17 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016, phạm vi kiểm tra của quản lý thị trường được quy định như sau:
(i) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường.
Trong quá trình kiểm tra hàng hóa, nếu phát hiện có vi phạm thì lực lượng Quản lý thị trường được quyền thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(ii) Kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương.
(iii) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng Quản lý thị trường được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, Quản lý thị trường có quyền kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của bộ công thương |
Quản lý thị trường có quyền kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 20 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016, căn cứ ban hành quyết định kiểm tra dựa vào:
(i) Quyết định kiểm tra định kỳ, quyết định kiểm tra chuyên đề được ban hành căn cứ vào kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành và không quá một lần trong một năm về cùng nội dung đối với một đối tượng kiểm tra. Kế hoạch kiểm tra định kỳ và chuyên đề được gửi cho đối tượng được kiểm tra và cơ quan, tổ chức có liên quan ngay sau khi được phê duyệt hoặc ban hành.
(ii) Quyết định kiểm tra đột xuất được ban hành khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được thẩm tra, xác minh, bao gồm: từ phương tiện thông tin đại chúng; từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân; từ đơn yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân.
- Có đề xuất kiểm tra của công chức đang thi hành công vụ.
- Có yêu cầu kiểm tra bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ Điều 22 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016, trưởng Đoàn kiểm tra công bố và giao quyết định kiểm tra cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Thời hạn kiểm tra được quy định như sau:
(i) Thời hạn một cuộc kiểm tra tại nơi kiểm tra không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.
(ii) Trường hợp vụ việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn một cuộc kiểm tra có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Việc kéo dài thời hạn một cuộc kiểm tra do người đã ban hành quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản.
Lưu ý: Thời gian không được tính vào thời hạn kiểm tra bao gồm:
- Thời gian thẩm tra, xác minh để kết luận việc kiểm tra.
- Thời gian tổ chức, cá nhân được kiểm tra trì hoãn hoặc trốn tránh việc kiểm tra.