Quanh câu chuyện phụ huynh bị lừa chuyển tiền với chiêu thức con bị tai nạn: Kẻ xấu đã đánh đúng vào tâm lý lo lắng của cha mẹ

Bình Minh 12/03/2023 19:35

Khi nghe thông tin con bị tai nạn đang cấp cứu thì nhiều phụ huynh sẽ mất bình tĩnh nên dễ dàng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo. Đôi khi chuyển tiền xong rồi mới phát hiện mình bị lừa thì đã muộn.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã phát đi thông tin cảnh báo về việc mạo danh đơn vị lừa đảo phụ huynh trên địa bàn thành phố. Cụ thể, vào ngày 3/3, có 3 phụ huynh của Trường Quốc tế Việt Úc TP.HCM đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm con do 3 người lạ thông báo con họ nhập viện cấp cứu. Trong đó, 2 phụ huynh đã chuyển 70 triệu đồng vào số tài khoản người lạ cung cấp.

Tương tự, chị M.T. có con đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức) nhận được cuộc gọi của một phụ nữ tự xưng là nhân viên y tế nhà trường cho hay, trong lúc chơi đùa với bạn, con của phụ huynh này bị té và đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.

Do xót con, chị M.T. đã chuyển ngay 40 triệu đồng theo yêu cầu vào số tài khoản được hướng dẫn. Ngay sau đó, vị phụ huynh này đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để hỏi thăm thêm tình hình. Giáo viên chủ nhiệm cho biết con chị vẫn đang sinh hoạt bình thường. Khi chị M.T. gọi lại cho số điện thoại đã liên hệ cho mình trước đó thì máy đã bị khóa. Liên lạc với ngân hàng thì số tiền cũng đã được chuyển và rút rồi.

Liên quan đến vụ nhiều phụ huynh bị lừa đảo, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM phối hợp với công an các quận huyện và TP Thủ Đức khẩn trương điều tra làm rõ.

Công an TP.HCM cảnh báo người dân khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn, thì cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng, người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ để phòng ngừa việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,

Ngoài ra, khi bị lừa đảo hoặc phát hiện những người có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Phụ huynh học sinh bị lừa chuyển tiền với chiêu thức con bị tai nạn: Kẻ xấu đã đánh đúng vào tâm lý hoang mang, lo lắng của cha mẹ - Ảnh 1.

Người dân nên thận trọng khi tiếp nhận thông tin từ các cuộc gọi lạ (ảnh minh họa)

Bình luận về thủ đoạn lừa đảo mới này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, gọi điện cho phụ huynh thông báo con họ bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt là phương thức, thủ đoạn mới gây hoang mang dư luận. Vì vậy cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.

Có thể nói rằng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, tiện dụng từ các dịch vụ internet thì việc thông tin, truyền thông hiện nay rất nhanh chóng, thuận lợi. Thêm vào đó là dịch vụ tài chính ngân hàng đa dạng, chuyển tiền qua dịch vụ internet banking đang được ứng dụng rộng rãi khiến các quan hệ dân sự diễn ra nhanh chóng, việc chuyển tiền dễ dàng có thể thực hiện trên các thiết bị thông minh có kết nối internet. Lợi dụng các tính năng của thiết bị thông minh và tiện ích của dịch vụ tài chính ngân hàng nên các đối tượng xấu đã sử dụng các tiện ích này làm phương thức, thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản.

Kẻ xấu đã lợi dụng tâm lý luôn lo lắng của các phụ huynh khi nhận được thông tin con bị tai nạn, đồng thời trẻ em ở độ tuổi đang phát triển rất hiếu động nên hoàn toàn có thể gặp tai nạn bất kỳ khi nào. Chính vì vậy khi các đối tượng có được thông tin về trẻ em, gian dối về việc trẻ em bị tai nạn thì các phụ huynh dễ dàng tin theo. Do vậy, khi biết thông tin con bị tai nạn đang cấp cứu thì nhiều phụ huynh sẽ mất bình tĩnh, không tỉnh táo và thường không tiếc tiền chạy chữa cho con nên dễ dàng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Với tâm lý hoang mang, lo lắng thì phụ huynh thường không minh mẫn nên dễ mắc bẫy lừa đảo. Đôi khi chuyển tiền xong rồi mới phát hiện mình bị lừa thì đã muộn.

Phụ huynh học sinh bị lừa chuyển tiền với chiêu thức con bị tai nạn: Kẻ xấu đã đánh đúng vào tâm lý hoang mang, lo lắng của cha mẹ - Ảnh 2.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là một thủ đoạn lừa đảo mới gây hoang mang dư luận

Dưới góc độ pháp lý thì người nào có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bởi vậy, trường hợp thông tin gian dối về việc học sinh bị tai nạn mà khiến phụ huynh tin tưởng chuyển khoản cho các đối tượng đã gian dối với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp hành vi đưa thông tin gian dối nhưng phụ huynh không tin, chưa chiếm đoạt được tài sản thì các đối tượng này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đưa thông tin bị cấm trên mạng viễn thông theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức xử phạt từ 10-20 triệu đồng.

"Các bậc phụ huynh cần hết sức bình tĩnh khi có ai đó báo tin về việc con mình bị tai nạn. Khi ấy nên xác minh lại thông tin từ phía nhà trường, phía cơ sở y tế và chỉ tin vào những thông tin từ giáo viên, lãnh đạo nhà trường hoặc từ cơ quan chức năng mà mình biết rõ. Nếu thông tin có được từ số điện thoại lạ, từ người lạ mà họ tự xưng danh thì chưa có căn cứ để xác định sự thật.

Việc nộp tiền cứu chữa phải nộp trực tiếp vào cơ sở y tế, nếu chuyển tiền để nhờ người khác nộp tạm ứng viện phí thì chỉ chuyển cho người thân quen đã xác nhận là đúng. Tuyệt đối không tin theo những người lạ từ số điện thoại lạ và thận trọng với số điện thoại lạ mạo danh người thân, người quen hoặc mạo danh cơ quan chức năng để yêu cầu chuyển tiền", Tiến sĩ Cường phân tích.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

..............


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quanh câu chuyện phụ huynh bị lừa chuyển tiền với chiêu thức con bị tai nạn: Kẻ xấu đã đánh đúng vào tâm lý lo lắng của cha mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO