Người điều khiển ô tô để trẻ ngồi ghế trước hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Ngày 27/6/2024, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 chính thức được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2025, thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008.
Theo đó, tại Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ, trong đó quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi.
Cụ thể: Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Cùng đó, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại ô tô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.
Lý giải vì sao trẻ em không nên ngồi ghế trước, trên VietnamNet, PGS.TS. Phạm Việt Cường (Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế Công cộng) cho rằng, đây là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm. Cụ thể, trẻ dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn.
Ô tô hiện đại trang bị túi khí được thiết kế để bảo vệ người lớn trong trường hợp va chạm. Tuy nhiên, túi khí bung ra với tốc độ và lực cực mạnh (có thể lên đến gần 300km/h) để bảo vệ người lớn trong trường hợp va chạm, lực tác động mạnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ em, những người có thân hình nhỏ bé và yếu hơn.
Túi khí bung ra ở ghế trước có thể va vào đầu hoặc cổ của trẻ, gây ra những thương tích nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Ngoài ra, dây an toàn ở ghế trước không phù hợp cho trẻ nhỏ. Bởi, trẻ em thường có kích thước cơ thể không phù hợp với dây an toàn dành cho người lớn. Ở ghế trước, trẻ em được thắt dây an toàn dành cho người lớn có thể bị đẩy quá gần bảng điều khiển nơi túi khí bung ra. Điều này làm tăng nguy cơ túi khí va trực tiếp vào trẻ. Do đó, các chuyên gia đánh giá cao việc bắt buộc phải trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em.
Bên cạnh đó, khả năng tự chủ và ý thức hành vi của trẻ trong các sự việc thường chưa cao. So với người lớn, trẻ nhỏ chưa thể hoàn thiện khả năng suy nghĩ và kiểm soát hành vi của mình. Trẻ em thường có tính hiếu động, tò mò và thích nghịch ngợm. Do vậy, nếu ngồi ở ghế trước, rất dễ gây ra những hành động khiến người lái mất tập trung, dễ dẫn đến tai nạn trên đường.
PGS.TS Phạm Việt Cường cho biết thêm, ghế sau là vị trí ngồi an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe (vị trí nguy hiểm nhất trên ô tô).
Đặc biệt, nếu trẻ được sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô, có thể kéo giảm nhiều vụ trẻ em bị chấn thương nghiêm trọng hoặc thiệt mạng do tai nạn giao thông mỗi năm tại Việt Nam.