Nội dung bài viết trình bày về việc cắt, thu hồi ống chống, đầu giếng, thiết bị lòng giếng theo quy định pháp luật từ ngày 01/11/2024. Theo đó là quy định pháp luật liên quan.
Quy định về cắt, thu hồi ống chống, đầu giếng, thiết bị lòng giếng từ ngày 01/11/2024 (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 16/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2024/TT-BCT quy định về bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí, thu dọn công trình dầu khí.
Tại Điều 10 Thông tư 16/2024/TT-BCT quy định về cắt, thu hồi ống chống, đầu giếng, thiết bị lòng giếng như sau:
- Giếng được hủy bỏ phải đảm bảo duy trì được tính toàn vẹn của lòng giếng, không để xảy ra tình trạng lưu thông các chất lưu giữa các thành hệ với nhau hoặc với bề mặt đáy biển, mặt đất.
- Người điều hành phải áp dụng phương pháp cơ học hoặc thủy lực để cắt và thu hồi đầu giếng. Ống chống phải được cắt sát bên dưới mặt đáy biển và hệ thống đầu giếng phải được thu hồi, đảm bảo không còn phần nào nhô lên bề mặt đáy biển, không gây cản trở các hoạt động hàng hải, khai thác biển khác.
- Đối với các giếng trên đất liền, chiều sâu cắt đầu giếng, ống chống tối thiểu là 3 m bên dưới mặt đất.
- Khi cắt ống, người điều hành phải lưu ý các điểm sau:
+ Nếu đoạn gối lên nhau của hai cột ống chống không được bơm trám xi măng thì cột ống chống bên trong có thể được cắt và thu hồi. Chiều sâu cắt ống căn cứ vào chiều cao cột xi măng trong khoảng vành xuyến, được xác định qua tài liệu đo địa vật lý giếng khoan;
+ Nếu có khả năng tồn tại áp suất dư trong khoảng vành xuyến ngoài ống chống thì phải xử lý triệt để trước khi tiến hành cắt ống bằng các biện pháp kỹ thuật gia cố bổ sung theo quy định tại Điều 14 Thông tư 16/2024/TT-BCT;
+ Trước khi cắt ống, tỷ trọng dung dịch trong giếng khoan phải được hiệu chỉnh phù hợp với độ bền của địa tầng tại chân ống trước nó.
- Tất cả thiết bị lòng giếng phải được thu hồi. Trong trường hợp không khả thi về mặt kỹ thuật để thu hồi, người điều hành phải có phương án để lại các thiết bị này trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí được Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định tại Nghị định 45/2023/NĐ-CP. Việc để lại các thiết bị lòng giếng đảm bảo tuân thủ khoản 7 Điều 10, Điều 16 và Điều 17 Thông tư 16/2024/TT-BCT.
- Việc để lại đầu giếng hay một phần ống chống phải thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định 45/2023/NĐ-CP và Điều 26 Thông tư 16/2024/TT-BCT.
- Sau khi hoàn tất công tác hủy bỏ giếng, khu vực đáy biển hoặc bề mặt xung quanh vị trí giếng khoan phải được dọn sạch, không được để lại các vật cản.
- Đục ống và bơm ép: Để ngăn ngừa sự lưu thông của lưu thể giữa vỉa và các khoảng vành xuyến, ít nhất phải có 100 m xi măng có độ bám tốt bên trong chân ống trước. Nếu không, ống chống trong cùng phải được đục lỗ tại chiều sâu 100 m bên trên chân ống trước nó và thể tích vữa xi măng tương đương 100 m vành xuyến phải được ép qua đoạn đục lỗ bằng dụng cụ giữ xi măng hoặc packe với áp suất không lớn hơn áp suất vỡ vỉa.
- Đục ống và tuần hoàn: Nếu phương pháp bơm ép không thể tiến hành do giới hạn áp suất an toàn cho phép của ống chống thì phải tiến hành đục tiếp ống chống bên trong ngay sát dưới chân ống chống trước đó và tiến hành bơm ép xi măng lên ít nhất 100 m của khoảng vành xuyến ngay bên trong đoạn vừa đục lỗ.
- Những điểm đục lỗ được miêu tả tại các khoản 1 và 2 Điều 14 Thông tư 16/2024/TT-BCT sẽ được trám xi măng như quy định với các khoảng bắn tại Điều 13 Thông tư 16/2024/TT-BCT.
Xem thêm Thông tư 16/2024/TT-BCT kể từ ngày 04/11/2024 và thay thế Thông tư 17/2020/TT-BCT quy định về bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí.