Ngày 26/9/2024, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam chính thức công bố báo cáo nghiên cứu "Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Tập trung cao độ cho hạ tầng giao thông
Theo báo cáo, Long An sở hữu vị trí là gạch nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM, giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, Long An chưa phát triển xứng tầm, nguyên nhân một phần do hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Long An với khu vực và hạ tầng giao thông nội tỉnh vẫn chưa thực sự thuận tiện.
Đến nay, Long An đang đi đúng hướng khi tập trung phát triển hạ tầng, phục vụ cho quá trình phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, để trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, với kế hoạch phát triển hạ tầng đã được chính quyền tỉnh quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, Long An hoàn toàn có thể trở thành địa phương giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Sắp tới đây, rất nhiều hạ tầng kết nối vào năm 2025 – 2026 sẽ mở ra triển vọng phát triển cho Long An cũng như hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Ông Trần Khánh Quang, người có nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng nhấn mạnh, những năm gần đây, Long An tập trung cao độ phát triển hạ tầng đô thị, kết nối cửa ngõ khu vực phía Tây Tp.HCM với khu vực Đông Nam Bộ bằng trục đường N2, trục đường cao tốc, trục đường Vành đai 3, sắp tới là Vành đai 4. Bên cạnh đó, các trục đường như Bến Lức – Long Thành kết nối với miền Đông Nam Bộ rất quan trọng với sự phát triển của Long An hiện nay.
Theo ông Quang, đây là cơ hội mở ra với thị trường bất động sản khu công nghiệp của tỉnh. Việc thúc đẩy phát triển hạ tầng đã giúp Long An trở thành lựa chọn hấp dẫn với các nhà đầu tư khu công nghiệp quy mô lớn, các tập đoàn muốn mở rộng quy mô hoạt động.
Điểm nóng phát triển khu công nghiệp dịch về Thủ Thừa
Theo báo cáo Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hiện tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Long An là địa phương đứng thứ 3 cả nước trong quá trình phát triển các khu công nghiệp (sau tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương). Cũng là địa phương luôn nằm trong top đầu thu hút FDI. Long An được đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Long An hiện có 35 KCN được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là 9.364,47 ha. Trong đó có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch là 5.982,14 ha (đất công nghiệp là 4.278 ha, đã cho thuê là 2.899,94 ha); Có 9 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN với diện tích quy hoạch là 2.466,8 ha.
Ngoài ra, có 5 KCN với diện tích quy hoạch là 997,86ha đã nộp hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Còn lại 11 KCN với diện tích quy hoạch 2.183,5ha đang thực hiện các thủ tục về quy hoạch, sẽ thực hiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư sau khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.
Xét về địa phương, Thủ Thừa có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp. Thủ Thừa hiện đứng thứ 2 trong top 5 địa phương có diện tích KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư lớn nhất tỉnh Long An với 192,13ha, và đứng thứ 3 trong top 5 địa phương có tiềm năng phát triển diện tích về KCN lớn nhất của tỉnh Long An với 4.615,7 ha. Xét về biên độ tăng trưởng tiềm năng của 5 địa phương đang có diện tích KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư lớn nhất, Thủ Thừa đang xếp vị trí số 1 với mức tăng lên đến 2016%.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích gần 3.200 ha. Toàn tỉnh sẽ có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.433 ha, vươn lên xếp thứ hai cả nước về diện tích các khu công nghiệp.
Đồng thời, địa phương sẽ có thêm 28 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.808 ha, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 72 cụm với tổng diện tích 3.989ha. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tận dụng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi… tại các khu, cụm công nghiệp rộng khắp và trải dài trên địa bàn tỉnh này.
Về thị trường bất động sản, dù có nhiều lợi thế song Long An vẫn chưa phát triển đồng đều mà có sự chênh lệch rõ ràng giữa các phân khúc. Trong đó, phân khúc đất nền vẫn là chủ đạo và ghi nhận hoạt động sôi nổi suốt thời gian qua, tiếp đến là phân khúc nhà liền thổ. Căn hộ là phân khúc có nguồn cung hạn hẹp nhất tại thị trường Long An.
Những năm về trước tại Long An chỉ có nguồn cung là căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, với tỷ suất nhập cư cao như hiện tại, nhu cầu về nhà ở trong đó có nhu cầu sở hữu căn hộ sẽ thúc đẩy phân khúc này phát triển.
Về bất động sản công nghiệp, với quỹ đất rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, bất động sản công nghiệp Long An dự báo sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành đối trọng với các tỉnh trong khu vực về công nghiệp.