Quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp

22/10/2024 12:45

Quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp là nội dung được quy định trong Công văn 575/CV-VPQGGN năm 2024.

Quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp

Quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp (Hình từ Internet)

Ngày 14/10/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn 575/CV-VPQGGN về quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo.

Quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp

Theo nội dung được quy định trong Công văn 575/CV-VPQGGN năm 2024 thì quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện như sau:

Bước 1. Khảo sát, xây dựng, phê duyệt dự án

- Khảo sát

+ Quy trình cụ thể

++ Cơ quan, đơn vị thực hiện dự án làm việc với Ủy ban nhân dân cấp huyện (nơi dự kiến triển khai dự án) nắm bắt đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương, các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang triển khai trên địa bàn huyện; dự kiến loại mô hình triển khai, địa bàn xã dự kiến triển khai, đối tượng dự kiến tham gia (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn và đối tượng khác).

++ Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã (nơi dự kiến triển khai dự án, được Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất) tiến hành khảo sát về tình hình kinh tế, xã hội, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với loại mô hình dự kiến triển khai, tình trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, nhu cầu tham gia thực hiện dự án, dự kiến danh sách các hộ gia đình tham gia thực hiện dự án trên địa bàn.

+ Kết quả

Qua khảo sát cần nắm bắt được:

++ Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang triển khai trên địa bàn. Tình hình kinh tế, xã hội của địa phương, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tình trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã (nơi dự kiến triển khai dự án) và nhu cầu tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn.

++ Thống nhất được loại mô hình dự kiến triển khai thực hiện; dự kiến danh sách các hộ gia đình tham gia thực hiện dự án trên địa bàn; sự phối hợp hỗ trợ triển khai thực hiện dự án trên địa bàn (văn bản đồng ý phối hợp của UBND cấp huyện nơi triển khai dự án).

- Xây dựng, phê duyệt dự án

+ Cơ quan, đơn vị thực hiện dự án xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án.

+ Kết quả: cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án.

+ Yêu cầu: Quyết định phê duyệt dự án phải bao gồm: Tên dự án; thời gian triển khai; địa bàn thực hiện; đối tượng được hỗ trợ từ dự án; các hoạt động của dự án; dự toán kinh phí chi tiết theo từng nhiệm vụ, hoạt động; các nội dung, hoạt động, nhiệm vụ cần đặt hàng, hoặc giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu (theo từng nội dung hoặc tổng thể các nội dung); dự kiến hiệu quả, kết quả đầu ra của dự án, phương án; tổ chức quản lý tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có); giải pháp tài chính xử lý các rủi ro (nếu có).

Bước 2. Lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện dự án

- Cơ quan, đơn vị thực hiện dự án thông báo kế hoạch lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ, lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ thực hiện dự án trên các phương tiện truyền thông hoặc trên trang tin điện tử, niêm yết công khai tại trụ sở chính của cơ quan, đơn vị.

Nội dung thông báo: nội dung cơ bản của dự án (tên dự án, thời gian, địa bàn thực hiện, mục tiêu, hoạt động chính, kinh phí); yêu cầu năng lực thực hiện dự án của đơn vị tham gia; thời hạn đăng ký; địa chỉ tiếp nhận đăng ký hoặc các nội dung khác phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực cụ thể (nếu cần thiết).

- Tiếp nhận đề xuất nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện dự án, thẩm tra hồ sơ đề nghị của các đơn vị.

- Tổ chức họp Cơ quan, đơn vị thực hiện dự án để đánh giá hồ sơ đề xuất và lựa chọn đơn vị đủ điều kiện để đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện dự án.

- Quyết định giao nhiệm vụ với bên được giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng đặt hàng với bên nhận đặt hàng.

- Thông báo việc đơn vị được đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện dự án và đơn vị không đủ điều kiện thực hiện dự án.

Bước 3. Triển khai dự án

Đơn vị được giao nhiệm vụ hoặc nhận đặt hàng:

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện dự án, với một số nội dung cụ thể như:

+ Thời gian thực hiện dự án.

+ Dự kiến kết quả của dự án: (i) xây dựng được mô hình, dự án; xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt; (ii) hỗ trợ số hộ thoát nghèo sau khi tham gia dự án; (iii) kết quả tham gia tập huấn.

+ Trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan: (i) Đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện dự án; (ii) đơn vị phối hợp thực hiện dự án; (iii) UBND các xã trên địa bàn thực hiện dự án; (iv) Các hộ gia đình tham gia dự án.

- Thông báo dự án bằng văn bản đến UBND các xã và nhân dân trên địa bàn thực hiện dự án về: kinh phí thực hiện dự án, đối tượng dự kiến hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ, cơ chế thực hiện dự án.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền đến các nhân dân, các hộ gia đình tham gia dự án trên địa bàn được biết, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện.

- Tổ chức họp triển khai dự án

+ Thành phần tham gia: đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện dự án, đại diện UBND các xã, đại diện thôn, bản trên địa bàn thực hiện dự án và các hộ gia đình dự kiến tham gia dự án.

+ Nội dung họp: (i) Phổ biến nội dung dự án, kinh phí hỗ trợ và mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, kinh phí dự kiến đóng góp của người dân (tiền hoặc hiện vật); điều kiện, đối tượng tham gia Dự án; cách thức triển khai, thực hiện dự án và các nội dung khác; (ii) Làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của các hộ gia đình khi tham gia dự án.

- Kết quả:

+ Lựa chọn được các hộ dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo (số lượng theo đề án) đáp ứng tiêu chuẩn, cụ thể: (i) có nhu cầu tham gia; (ii) Hộ có thành viên có sức khỏe; (iii) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác; (iv) có cam kết tham gia thực hiện dự án (Hồ sơ minh chứng gồm: danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký tham gia dự án; đăng ký tham gia dự án, cam kết đối ứng, giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo của các hộ dân; biên bản họp); (v) điều kiện khác.

+ Thống nhất được số lượng, tiêu chuẩn cây trồng, vật nuôi kinh phí đối ứng của hộ gia đình.

+ Thành lập được các tổ hợp tác (theo đề án) thực hiện dự án chăn nuôi, trồng trọt.

Bước 4. Tập huấn kỹ thuật thực hiện dự án

- Đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo dự án và quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đã ký kết.

+ Thành phần tham gia: Người lao động thuộc các hộ gia đình tham gia dự án; cán bộ xã, thôn, bản trên địa bàn, các thành phần khác trên địa bàn có nhu cầu tham gia tập huấn.

+ Số lượng tham gia: phù hợp với dự án.

+ Giảng viên: có trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng chuỗi liên kết, thị trường trong sản xuất.

+ Nội dung tập huấn: (i) kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về chăn nuôi, trồng trọt; (ii) kiến thức về thị trường, tiêu thụ sản phẩm, các nội dung khác phù hợp với yêu cầu của Dự án.

- Kết quả: kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng chuỗi liên kết, thị trường trong sản xuất theo yêu cầu của dự án.

Bước 5. Thăm quan, học tập kinh nghiệm

- Để giúp các hộ gia đình có thể kết hợp được kiến thức tập huấn với trực quan hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, đề xuất lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với yêu cầu của dự án và thực tế của các hộ gia đình. Trong khuân khổ của dự án, đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ đã tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho đại diện 30 hộ gia đình tham gia dự án.

- Kết quả: các thành viên thăm quan, học tập kinh nghiệm được tiếp cận mô hình chăn nuôi, trồng trọt có áp dụng khoa học kỹ thuật, các kinh nghiệm, cách làm hay của các trang trại mô hình lớn, vững tin hơn trong việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động, chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất giúp tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế.

Bước 6. Mua sắm giống, vật tư

- Đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ đã thực hiện quy trình đấu thầu công khai, rộng rãi trên cổng đấu thầu công quốc gia, các nội dung thực hiện cụ thể:

+ Lập kế hoạch, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, mua sắm cây, con giống, vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ.

+ Lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu, mua sắm, hàng hóa dịch vụ.

+ Tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

+ Báo cáo kết quả trúng thầu

+ Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

+ Thương thảo, ký kết hợp đồng.

+ Triển khai thực hiện hợp đồng.

- Kết quả: Việc mua sắm cây, con giống, vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ của dự án đảm bảo: (i) thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và quy định pháp luật có liên quan; (ii) trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao; (iii) hàng hóa vật tư để thực hiện Dự án phải đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại theo Dự án đã được phê duyệt.

Bước 7. Cấp phát giống, vật tư của dự án

Đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện cấp phát giống, thuốc thú y, vắc xin cho các hộ gia đình tham gia dự án, cụ thể:

- Tiêu chuẩn, chất lượng, trọng lượng giống, vật tư

- Cấp phát

+ Địa điểm cấp phát.

+ Số lượng giống, vật tư giao nhận (có biên bản kèm theo).

+ Quy định về bảo hành giống, vật tư.

+ Đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ hướng dẫn cho các hộ gia đình cách thức bảo quản, sử dụng giống, vật tư đúng quy trình kỹ thuật.

Bước 8. Hỗ trợ kỹ thuật cho người dân tham gia Dự án

Đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ đã cử cán bộ có chuyên môn đã thực hiện hỗ trợ các hộ gia đình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cụ thể:

- Trước khi bàn giao giống: cán bộ kỹ thuật đã hỗ trợ các hộ gia đình chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo nuôi trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; chủ động đảm bảo thức ăn, phân bón, dinh dưỡng sẵn có cho cây trồng, vật nuôi.

- Trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt: cán bộ kỹ thuật đã hỗ trợ các hộ gia đình chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi theo cách cầm tay chỉ việc, phòng dịch bệnh. Theo dõi, xử lý các bệnh thường gặp của cây trồng, vật nuôi. Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Bước 9. Kiểm tra, giám sát

- Đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ cử cán bộ giám sát các hộ tham gia dự án, đánh giá tình hình chăn nuôi, hỗ trợ các hộ gia đình các khó khăn, vướng mắc nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

- Chính quyền địa phương thường xuyên tham gia giám sát việc triển khai thực hiện dự án trên địa bàn.

- Cơ quan, đơn vị thực hiện dự án

+ Ban hành văn bản đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án, kịp thời phát hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn và của dự án, những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để đề xuất hoặc có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời.

+ Trực tiếp tham gia kiểm tra, đánh giá việc sửa chữa, làm mới chuồng trại, giao giống, vật tư, chăm sóc, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Bước 10. Thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ từ dự án

Đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ:

- Đánh giá quá trình quả triển khai thực hiện dự án, làm rõ tình hình chăn nuôi, sản xuất của các hộ gia đình, công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện dự án, những thuận lợi, khó khăn, hiệu quả của dự án...

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện dự án.

- Lập bảng kê, tổng hợp hóa đơn, chứng từ thanh quyết toán thực hiện dự án.

- Ký biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng thực hiện dự án.

Bước 11.Duy trì, nhân rộng dự án

Đơn vị nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân tham gia mô hình và các hộ dân trên địa bàn cách thức chăn nuôi, trồng trọt, phòng trị bệnh và phát triển giống cây trồng, vật nuôi hỗ trợ từ dự án; duy trì các hoạt động, bảo đảm hiệu quả cao nhất của mô hình. Phối hợp với chính quyền địa phương để nhân rộng mô hình trên địa bàn.

Xem thêm Công văn 575/CV-VPQGGN có hiệu lực từ 14/10/2024.

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/73698/quy-trinh-mau-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-du-an-ho-tro-phat-trien-san-xuat-theo-nhiem-vu-linh-vuc-nong-nghiep
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/73698/quy-trinh-mau-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-du-an-ho-tro-phat-trien-san-xuat-theo-nhiem-vu-linh-vuc-nong-nghiep
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO