PLBĐ - Trong bối cảnh dịch COVID-19, hộ chiếu vaccine là một giải pháp để bước vào trạng thái "bình thường mới". Việc sở hữu hộ chiếu vaccine điện tử sẽ giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại và giao lưu quốc tế.
Trước nhu cầu sở hữu hộ chiếu vaccine để đi lại, giao lưu quốc tế của người dân hiện nay, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 bắt đầu từ ngày 8/4 để Bộ cấp hộ chiếu vaccine cho người dân bắt đầu từ ngày 15/4.
Vậy hộ chiếu vaccine là gì? Quy trình và điều kiện cấp hộ chiếu vaccine cho người dân như thế nào?
Hộ chiếu vaccine là gì?
Hộ chiếu vaccine được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực... Hộ chiếu vaccine nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.
Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
Bộ Y tế đã vừa ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT, ngày 20/12/2021 về ban hành biểu mẫu và quy trình cấp hộ chiếu vaccine được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Theo đó, hộ chiếu vaccine được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận "Hộ chiếu vaccine" được cấp sử dụng định dạng mã QR. Hết thời hạn này, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới. Mã QR hộ chiếu vaccine của Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn do tổ chức WHO và EU ban hành.
Để đảm bảo quyền lợi được cấp hộ chiếu vaccine, trước tiên, người dân cần xem thông tin về tiêm chủng trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid để xác định dữ liệu tiêm chủng đã được các cơ sở tiêm chủng cập nhật lên hệ thống hay chưa. Nếu thông tin đã chính xác, trong tuần tới, người dân sẽ nhận được hộ chiếu vaccine trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc trên trang thông tin của Bộ Y tế.
Đối với người dân chưa có thông tin các mũi tiêm trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia, người dân cần gửi phản ánh lên Hệ thống tiêm chủng quốc gia để được cập nhật dữ liệu hoặc liên hệ trực tiếp với cơ sở tiêm chủng để được cập nhật. Nếu không có dữ liệu trên hệ thống, sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine.
Quy trình cấp hộ chiếu vaccine
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận "Hộ chiếu vaccine".
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp hộ chiếu vaccine. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Hộ chiếu vaccine cần hiển thị 11 thông tin: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận. Thông tin sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D.
Điều kiện để được cấp hộ chiếu vaccine
Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay việc chuẩn bị cấp hộ chiếu vaccine cơ bản hoàn thành. Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ được cấp hộ chiếu vaccine và không phải thực hiện thủ tục gì thêm.
Để được cấp hộ chiếu vaccine COVID-19, người dân cần lưu ý một số điều kiện sau:
- Người đã tiêm vaccine và được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, kiểm tra thông tin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Thông tin phải chính xác, được xác thực đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Những trường hợp sai hoặc thiếu thông tin tiêm chủng sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine. Trong trường hợp này, người này cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để bổ sung, cập nhật qua trực tiếp hoặc phản ánh lên Cổng thông tin tiêm chủng (tiemchungcovid19.gov.vn).
- Người dân cần khai báo chính xác thông tin khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hộ chiếu vaccine sẽ được hiện thị trên ứng dụng Số Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc khi người dân tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Để tra cứu, người dân cần khai báo các thông tin gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân hoặc mã định danh cá nhân, ngày tiêm mũi gần nhất, email. Tại đây, những người dân không sử dụng điện thoại di động thông minh có thể đăng ký nhận thông tin qua email và in thành bản cứng để sử dụng.
Mã QR trên hộ chiếu vaccine có giá trị trong bao lâu?
Theo ông Nguyễn Bá Hùng - Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin (Bộ Y tế), thời hạn của mã QR trên hộ chiếu vaccine có giá trị 12 tháng theo khuyến cáo của WHO và EU, để đảm bảo tính bảo mật.
"Tuy thời hạn 12 tháng, nhưng đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, không ảnh hưởng đến việc sử dụng hộ chiếu vaccine của người dân. Sau 12 tháng hệ thống sẽ tự động khởi tạo mã QR khác. Việc này giống như chúng ta phải đổi mật khẩu sau khoảng thời gian của các ứng dụng ngân hàng điện tử", ông Hùng cho biết.
Tính đến ngày 17/3, Việt Nam đã đạt được thoả thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia, bao gồm: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Australia, Cộng hoà Belarus, Cộng hoà Ấn Độ, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà Philippines, Cộng hoà Maldives, Nhà nước Palestine, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hoà Arab Ai Cập, CHXHCNDC Sri Lanka, New Zealand, Cộng hoà Singapore, Cộng hoà Saint Lucia và Hàn Quốc.
Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
T.H(th)