Quyền lợi của khách hàng có ảnh hưởng khi ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa tài sản?

18/04/2022 10:57

PLBĐ - Bộ Công an đã đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp,...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu,...) của anh em ông Trịnh Văn Quyết. Trước thông tin này, nhiều người thắc mắc việc cựu Chủ tịch FLC bị phong tỏa tài sản có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của khách hàng?

Liên quan vụ án hình sự "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phối hợp thông tin phục vụ điều tra. Cụ thể, C01 đề nghị các địa phương này rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản (bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn…) của các cá nhân là ông Trịnh Văn Quyết và vợ là Lê Thị Ngọc Diệp, cùng hai em gái ruột của ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế. Ngoài ra, C01 cũng đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) đối với tài sản của các cá nhân nêu trên.

Như vậy, văn bản này của C01 chỉ đề nghị tạm dừng biến động các tài sản của gia đình ông Trịnh Văn Quyết nhằm phục vụ hoạt động điều tra về vụ việc liên quan. Văn bản hoàn toàn không liên quan đến các tài sản hợp pháp (bất động sản, vốn/góp, cổ phiếu…) của Tập đoàn FLC và các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết. Đồng nghĩa với việc, các hoạt động giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, thế chấp… của FLC liên quan đến các tài sản sở hữu vẫn diễn ra bình thường theo quy định của pháp luật và không bị tác động bởi văn bản này. 

Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa tài sản, quyền lợi khách hàng sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết.

Cũng liên quan đến vấn đề quyền lợi của khách hàng khi Bộ Công an đề nghị phong tỏa tài sản của anh em ông Trịnh Văn Quyết, trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng trong vụ án này, cơ quan chức năng đang xem xét đối với cá nhân. Trong đó, cơ quan chức năng xem xét cả phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.

Bởi vậy, về nguyên tắc thì những tài sản do phạm tội mà có hoặc những tài sản sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thì mới bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Còn đối với các tài sản hợp pháp khác của bị can và đặc biệt là tài sản của doanh nghiệp mà không liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ không áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

"Đối với các dự án đang triển khai của doanh nghiệp này và các tài sản của các bị can không liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ không hạn chế việc quản lý sử dụng, định đoạt", luật sư Cường cho biết.

Theo luật sư Cường, trong quá trình điều tra vụ án về tội "thao túng thị trường chứng khoán" thì cơ quan điều tra có thể thu giữ các tài liệu có liên quan để làm rõ, phân loại những vấn đề có liên quan đến vụ án. Nếu những tài liệu đó có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc liên quan đến tài sản thì các giao dịch cũng không thể thực hiện được cho đến khi cơ quan điều tra xác định những vật chứng đó có liên quan đến tội phạm hay không.

Ngoài ra, khi giải quyết một vụ án hình sự thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các vi phạm, sai phạm có liên quan của các tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy ngoài tội danh đã bị khởi tố, doanh nghiệp và các cá nhân còn có hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến tài sản thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

"Bởi vậy, về mặt lý thuyết thì chỉ có những tài sản do phạm tội mà có và những tài sản được xác định là vật chứng trong vụ án hình sự thì mới bị thu giữ và xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Còn những tài sản không liên quan đến tội phạm và các tài sản hợp pháp khác thì pháp luật sẽ bảo vệ", luật sư Cường phân tích.

Luật sư Cường thông tin thêm, khi khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các doanh nhân lớn, những người có sức ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một tập đoàn, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thị trường thì cơ quan điều tra sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ việc xử lý hình sự cá nhân đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, đối với các nhà đầu tư, các đối tác của tập đoàn này thì vẫn thực hiện các giao dịch bình thường đối với các dự án, các tài sản không liên quan đến tội phạm. Cơ quan tố tụng cũng sẽ tạo mọi điều kiện để hoạt động kinh doanh của tập đoàn này và các công ty con, các giao dịch với các đối tác được thực hiện thuận lợi nhất theo quy định pháp luật.

Tập đoàn FLC là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, trong đó tập trung vào lĩnh vực bất động sản, du lịch với chi nhánh và dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ ngày 29/3 đến nay, C01 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bị can Trịnh Văn Quyết và 4 đồng phạm để điều tra hành vi "thao túng thị trường chứng khoán". Trong số này có 2 em gái bị can Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga.

C01 xác định từ ngày 1/12/2021 - 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo. Hành vi phạm tội đã thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quyền lợi của khách hàng có ảnh hưởng khi ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa tài sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO