Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị Kiểm toán nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có các quyền và nghĩa vụ dưới đây.
Quyền thực hiện dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Kiểm toán nhà nước (Hình từ Internet)
Theo Điều 3 Quy chế ban hành kèm Quyết định 1659/QĐ-KTNN ngày 26/9/2024, quyền của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị Kiểm toán nhà nước bao gồm:
- Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và Quy chế này.
- Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật; đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.
- Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan, đơn vị.
- Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội, chế độ an sinh xã hội và kết quả thực hiện dân chủ.
Theo Điều 4 Quy chế, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị Kiểm toán nhà nước bao gồm:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị.
- Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quy chế này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo quy định tại Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1659/QĐ-KTNN năm 2024 thì các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước bao gồm:
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.
- Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.
- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ quan, đơn vị; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học – kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.