Sau khi rà soát kê khai quyết toán, cơ quan thuế mới đây đã gửi “trát” đòi nợ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tới nhiều đơn vị, tổ chức có cá nhân phát sinh thu nhập cao. Tuy nhiên, cũng xuất hiện tình trạng bi hài một số cá nhân “dở khóc dở cười” khi thấy mình bị khai khống thu nhập, phạt tiền chậm nộp. Trước nhiều vướng mắc phát sinh, ngành thuế cho biết, đang cố gắng hoàn thiện dữ liệu và chấn chỉnh những bất cập.
Bi hài chuyện nợ thuế
Chị Nguyễn Bảo Ngọc (TPHCM) cho biết, từ năm 2019 tới nay chị chỉ làm việc, nhận thu nhập duy nhất từ công ty. Hằng năm, chị Ngọc ủy quyền cho công ty kê khai, quyết toán thuế. Tuy nhiên, kết thúc kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2023, cơ quan thuế thông báo có đơn vị thứ 2 khai khống thu nhập của chị Ngọc 140.000 triệu đồng. Cơ quan thuế yêu cầu chị Ngọc nộp phạt và bổ sung 21 triệu đồng tiền thuế TNCN.
“Sau khi phát hiện bị khai khống, tôi tìm cách liên hệ với công ty khai khống nhiều lần không được. Tôi đã gửi bản cam kết không phát sinh thu nhập thứ 2 và đề nghị gỡ bỏ số tiền thu nhập bị khai khống. Tôi mong cơ quan thuế nhanh chóng giải quyết, xử lý nghiêm hành vi khai thuế gian dối”, chị Ngọc phản ánh.
Cùng vướng mắc khi kê khai thuế, chị Ngọc Hương (Hà Nội) cho biết, năm 2021, có làm việc và đóng bảo hiểm tại công ty truyền thông. Sau đó, chị Hương nghỉ làm, chuyển sang đơn vị khác. Do sơ suất không quyết toán thuế TNCN, tháng 5/2024, chị Hương nhận thông báo còn nợ thuế TNCN năm 2021 số tiền 1,9 triệu đồng. Đến nay, chị Hương phải nộp khoảng 13 triệu tiền phạt chậm nộp thuế, tiền nợ thuế.
“Thu nhập năm 2021 dưới mức nộp thuế TNCN (dưới 11 triệu đồng/tháng), tôi không làm quyết toán thuế. Sau khi kiểm tra, số thuế khai nợ do kế toán công ty cũ khai sai. Đại diện công ty này yêu cầu tôi tự xử lý khoản nợ thuế”, chị Hương chia sẻ.
Người dân làm thủ tục tại cơ quan thuế. Ảnh minh họa: DT
Sau kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2023, cơ quan thuế gửi thông báo nộp bổ sung thuế TNCN do vượt mức thuế. Nhiều cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên, đã khấu trừ 10% thuế thu nhập bất thường nhưng tổng thu nhập vượt mức thuế suất này. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một số cá nhân có số thuế phải nộp thêm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Trao đổi về việc nhiều cá nhân bị phạt chậm tiền nộp thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp bị phát hiện, ngoài việc bị xử phạt nộp đủ tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp còn bị xử phạt về hành vi khai sai.
Đến nay cả nước có 75 triệu MST cá nhân. Trong đó, có 48 triệu MST cá nhân đã được đối chiếu, làm sạch; 27 triệu MST phải bổ sung thông tin. Tổng cục Thuế và Bộ Công an đang đối chiếu dữ liệu quản lý của cơ quan thuế và dữ liệu quản lý dân cư. Việc chuyển đổi tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc xác định nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
“Sau khi thông báo tiền chậm nộp thuế, cá nhân không thực hiện, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp như đề xuất cấm xuất cảnh. Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Người có 2 nguồn thu nhập cần chủ động rà soát, quyết toán thuế TNCN hằng năm, tránh tình trạng bỏ sót, rơi vào tình trạng bị phạt chậm nộp thuế”, đại diện Tổng cục Thuế khuyến nghị.
Đang rà soát, làm sạch mã số thuế cá nhân
Bên cạnh bất cập trong quyết toán thuế TNCN, nhiều người gặp vướng mắc khi có tới 2 mã số thuế (MST) cá nhân. Chị Lê Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, năm 2022 khi làm thủ tục mua bán nhà, mới phát hiện có 2 MST cá nhân.
“Khi sử dụng số chứng minh thư nhân dân, tôi đã được cấp MST để quyết toán thuế hằng năm. Tuy nhiên, khi chuyển sang căn cước công dân, cơ quan thuế tiếp tục cấp thêm MST cá nhân mới. Do 2 MST cá nhân ở 2 chi cục thuế khác nhau nên tôi được hướng dẫn ra cơ quan thuế để đóng MST. Tôi mong cơ quan thuế có giải pháp đồng bộ thông tin để bớt thủ tục cho người có 2 MST như tôi”, chị Nhàn kiến nghị.
Theo số liệu của cơ quan thuế, đến nay cả nước có 75 triệu MST cá nhân. Trong đó, có 48 triệu MST cá nhân đã được đối chiếu, làm sạch; 27 triệu MST phải bổ sung thông tin. Tổng cục Thuế và Bộ Công an đang đối chiếu dữ liệu quản lý của cơ quan thuế và dữ liệu quản lý dân cư. Việc chuyển đổi tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc xác định nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc cá nhân có nhiều MST do cá nhân hoặc tổ chức chi trả thu nhập sử dụng số giấy tờ tùy thân khác số giấy tờ đã đăng ký mã số thuế, dẫn đến cá nhân được cấp thêm mã số thuế mới. Theo ông Sơn, để tạo thuận lợi cho người dân nộp thuế, từ đầu năm 2024, Tổng cục Thuế hướng dẫn người dân đóng, hủy mã số thuế theo quy định hoặc cập nhật thông tin chính xác của các mã số thuế đang tồn tại.
Là một trong 2 cục thuế lớn nhất cả nước, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết đang quản lý khoảng 3,6 triệu MST. Trong đó, người làm công ăn lương có gần 200.000 MST và đang ưu tiên rà soát, làm sạch. Theo Cục Thuế Hà Nội, nhiều người có 2 MST cá nhân khá lớn nhưng xử lý khó khăn do nhiều cơ quan thuế khác nhau quản lý. Cục Thuế Hà Nội cũng đề xuất cơ quan chức năng kết nối dữ liệu, đồng bộ căn cước công dân giữa các ngành như công an, thuế, bảo hiểm để thuận lợi cho quản lý thuế.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, việc hoàn thiện dữ liệu MST rất cần thiết. Điều này giúp người dân thuận lợi khi làm thủ tục hành chính và thuận lợi cho cơ quan quản lý, tránh thất thu thuế.
Ông Doanh cũng kiến nghị, trong giai đoạn hoàn thiện dữ liệu, chuyển đổi MST, cơ quan chức năng cần hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân. Cơ quan chức năng nên phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ để người dân làm thủ tục trực tuyến, hạn chế chi phí đi lại, thời gian chờ đợi.