Quýt chum có xuất xứ Nhật Bản tại thị trường Việt với giá hơn 1 triệu đồng/kg, trong khi hàng Trung Quốc chỉ chưa đến 20.000 đồng/kg bán la liệt chợ.
Cùng với nhiều loại trái cây, quýt chum Nhật Bản có mặt tại thị trường Việt đã vài năm nay. Song, đây vẫn được gọi là “trái cây nhà giàu”. Bởi, để thưởng thức được những múi quýt ngọt lịm có xuất xứ từ đất nước Mặt trời mọc, người tiêu dùng Việt phải chi ra từ 1-1,2 triệu đồng/kg.
Thế nhưng, gần 2 tháng trở lại đây, quýt chum nhập khẩu đổ bộ thị trường. Trên “chợ mạng” rao bán la liệt quýt chum giống Nhật với giá rẻ bèo.
Sáng nay, một hệ thống cửa hàng trái cây lớn tại Hà Nội tiếp tục đăng bán quýt chum giống Nhật kèm hình ảnh từng trái được bọc lớp lưới xốp để trong hộp có thiết kế bắt mắt nhìn như các loại trái cây cao cấp. Tuy nhiên, giá của loại quýt chum này lại siêu rẻ, chỉ gần 20.000 đồng/kg.
Theo lời quảng cáo của hệ thống cửa hàng này, quýt chum giống Nhật được trồng tại Côn Minh (Trung Quốc) . Quýt có hình dáng đặc biệt, vỏ mỏng dễ bóc, múi quýt to, không có hạt, ngọt thơm và nhiều nước.
Dưới bài đăng, khách ào ào hỏi mua. Trong đó, một số người hỏi chất lượng quýt, nhiều người đặt mua 1 thùng, 2-3 thùng về ăn dần.
Chị Chu Thị Minh Hà ở Trần Điền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, giữa tháng 12 vừa qua chị mua 1 hộp quýt chum giống Nhật trọng lượng 3,5kg với giá 150.000 đồng, tương đương 45.000 đồng/kg tính cả phí giao hàng. Mức giá này chị đã thấy khá rẻ, bởi quýt ăn ngọt, không hạt nên gia đình chị ai cũng thích.
Hôm qua, thấy nhiều nơi rao bán quýt chum giống Nhật giá chỉ còn 20.000 đồng/kg chị liền đặt mua luôn 15 hộp cho các chị em cùng cơ quan, trong đó riêng chị lấy 3 hộp để ăn dần.
Trái cây Trung Quốc đóng vào hộp sang chảnh chị đã thấy nhưng giá cũng tương đối đắt đỏ. Còn hàng giá rẻ chủ yếu là đổ đống ngoài sạp chợ, đóng vào sọt chứ hiếm khi thấy loại nào giá chỉ 20.000 đồng/kg lại được bao gói cẩn thận đóng vào hộp bắt mắt như quýt chum này, chị Hà chia sẻ.
Trao đổi với PV.VietNamNet , chị Đào Thị Hải Lý – đầu mối bán trái cây ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, quýt chum giống Nhật không chỉ giá rẻ, hàng được đóng vào từng hộp cẩn thận nên khách hàng rất chuộng mua.
Tháng 11 vừa qua, cửa hàng của chị Lý bắt đầu nhập quýt chum về bán với giá 350.000 đồng/hộp trọng lượng 3,5-4kg, khách lấy 1/2 hộp giá còn lên tới 200.000 đồng. Sau đó, giá càng ngày càng rẻ. Từ cuối tháng 12 đến nay, quýt chum giá giảm còn 20.000 đồng/kg.
“Loại này thời điểm mới đầu về thị trường giá cao nên tôi xé ra bán lẻ theo combo 1/2 hộp để tiện khách mua ăn. Bây giờ do giá rẻ nên tôi bán nguyên hộp”. Chị Lý nói và tiết lộ, giá càng rẻ khách hàng càng đặt mua ăn nhiều hơn. Theo đó, một ngày trung bình chị bán hết khoảng trên dưới 100 hộp, thậm chí hôm qua có nhiều khách mua 5-10 hộp nên cửa hàng bán ra tới 160 hộp.
Anh Phùng Tấn Mạnh bán trái cây ở Đống Đa (Hà Nội) cũng thừa nhận, do có giá rẻ, quýt chum giống Nhật ăn ngọt lại không hạt nên những ngày gần đây hàng bán “đắt như tôm tươi”.
“Có hôm về chỉ được 60 hộp quýt chum loại 4kg/hộp. Nhân viên rao bán trên trang facebook của cửa hàng chỉ 30 phút đã ‘cháy hàng’. Những khách đặt chậm đành lưu đơn sang ngày hôm sau cửa hàng trả hàng”, anh nói.
Theo anh Mạnh, có rất nhiều giống trái cây Nhật được trồng ở Trung Quốc như: nho sữa, nho Ruby Roman, đào, quýt… Các vùng trồng của Trung Quốc đều lớn, sản lượng cao nên giá rất rẻ.
“Nho sữa Nhật về thị trường Việt luôn bán tiền triệu một chùm. Trung Quốc mở rộng vùng trồng và chỉ vài năm sau loại nho này phủ sóng chợ Việt với giá chỉ vài chục nghìn 1kg. Quýt chum giống Nhật cũng tương tự, hàng đổ bộ chợ với giá rẻ bèo”, anh Mạnh nói thêm.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, nước ta chi ra gần 1,79 tỷ USD để nhập khẩu các loại rau quả. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Trung Quốc đạt 722 triệu USD, chiếm 40,4% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của nước ta.
Theo đó, nước ta nhập rất nhiều loại trái cây từ Trung Quốc, nhưng chủ yếu vẫn là quýt, nho, táo, cam… So với trái cây nhập khẩu từ các thị trường khác, hàng Trung Quốc luôn có giá rẻ, thậm chí siêu rẻ khi về chợ Việt.