Rà soát, đề xuất bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025

05/09/2024 10:30

Rà soát, đề xuất bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025 là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Chỉ thị 31/CT-TTg năm 2024.

Rà soát, đề xuất bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025 (Hình từ internet)

Ngày 04/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Rà soát, đề xuất bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát số lượng biên chế giáo viên để đề xuất Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục, nhất là giáo viên mầm non năm học 2024 - 2025 theo Quyết định 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị;

Bên cạnh đó, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tuyển dụng biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao và có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. 

Rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện tuyển dụng giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP

Bên cạnh đó, nghiên cứu có cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương.

Xem chi tiết nội dung tại Chỉ thị 31/CT-TTg ban hành ngày 04/9/2024.

Nguyên tắc tinh giản biên chế 

Nguyên tắc tinh giản biên chế được quy định tại Điều 3 Nghị định 29/2023/NĐ-CP như sau:

- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.

- Gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế tự chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước.

- Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.

- Đối tượng tinh giản biên chế nếu được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chi trả trợ cấp.

Đối tượng chưa thực hiện tinh giản biên chế

Theo Điều 4 Nghị định 29/2023/NĐ-CP thì những đối tượng sau đây chưa thực hiện tinh giản biên chế:

- Những người đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế.

- Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rà soát, đề xuất bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO