Tiêu thụ nhiều đường và carb tinh chế có thể khiến tế bào mỡ sản xuất dư thừa estrogen, làm insulin tăng đột biến, gây mất cân bằng nội tiết tố.
Đường và carbohydrate tinh chế thường là nguyên nhân gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và mãn kinh. Đường không chỉ khiến tâm trạng và năng lượng lên - xuống thất thường mà còn có thể phá vỡ một trong những loại hormone mạnh nhất trong cơ thể là insulin. Và insulin có mối liên hệ chặt chẽ với tất cả hormone khác trong cơ thể, bao gồm estrogen và testosterone.
Đường làm tăng estrogen
Đường khiến tế bào mỡ sản xuất estrogen
Các tế bào mỡ, đặc biệt ở vùng bụng, sản xuất estrogen. Khi bạn ăn quá nhiều đường, cơ thể sẽ biến nó thành các tế bào mỡ, sau đó sản xuất ra estrogen. Càng ăn nhiều đường, bạn càng tạo ra nhiều tế bào mỡ và càng sản xuất thừa estrogen.
Đường làm insulin tăng đột biến gây mất cân bằng nội tiết tố
Ăn quá nhiều đường cũng dẫn đến insulin tăng đột biến khi cơ thể tiết ra hormone giúp tế bào chấp nhận lượng đường trong máu để làm năng lượng. Insulin tăng cao có thể dẫn đến hàm lượng protein quan trọng được gọi là hormone giới tính gắn globulin (SHBG) thấp hơn. SHBG liên kết lượng estrogen và testosterone dư thừa trong máu, nhưng khi SHBG ở mức thấp, nồng độ các hormone này sẽ tăng lên.
Những tác động này có nghĩa là tỷ lệ estrogen và progesterone (được biết đến với tác dụng giúp chúng ta bình tĩnh, vui vẻ) tăng lên quá cao, dẫn đến khó chịu, lo lắng, mất ngủ và hơn thế nữa. Khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh, các triệu chứng trở nên dữ dội hơn và có thể bao gồm các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm.
Ảnh hưởng của lượng đường dư thừa tới sức khỏe phụ nữ
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe phụ nữ, bao gồm tăng nguy cơ kháng insulin và tiểu đường loại 2. Đường gây ra tình trạng viêm mãn tính, từ đó góp phần gây bệnh cao huyết áp, bệnh tim và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Lượng đường tiêu thụ quá mức, đặc biệt qua đồ uống có đường, sẽ đánh lừa cơ thể tắt hệ thống kiểm soát sự thèm ăn vì lượng calo lỏng ít gây no hơn so với calo từ thực phẩm rắn. Kết quả là, nhiều người có xu hướng tiêu thụ nhiều calo hơn, làm tăng nguy cơ béo phì.
Thay vì không ăn đường, hãy kiểm soát đường huyết
Việc cắt bỏ tất cả đường ra khỏi cuộc sống là điều không thể. Trái cây, rau và thậm chí các loại đậu đều có chứa một số loại đường. Bí quyết là giảm lượng đường huyết.
Đường đơn giản, tinh chế thường làm tăng đột biến lượng đường trong máu và insulin. Nhưng carbohydrate phức tạp, chất xơ, protein và chất béo lành mạnh sẽ thúc đẩy sự tăng từ từ lượng đường trong máu và insulin, giảm lượng đường huyết và giảm bớt gánh nặng cho hormone.
Hướng Dương (Theo Women's Health Network)