Sản phẩm Cango được quảng cáo sai phép như thế nào?

06/05/2022 15:21

PLBĐ - Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cango đang có dấu hiệu quảng cáo sai phép trên các website cango.com.vn và cangosakura.com khi cung cấp các nội dung quảng cáo của sản phẩm như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh của chuyên gia y tế và bệnh nhân để quảng cáo.

Tại Hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022" do Bộ Y tế vừa tổ chức, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, nhiều doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube...

Việc thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo "nổ", quảng cáo như thuốc chữa bệnh có tác hại rất lớn khi người bệnh tin dùng sản phẩm, cho rằng sản phẩm có thể chữa bách bệnh, chữa bệnh hiểm nghèo như ung thư, đái tháo đường... Đến khi bệnh nặng, quay lại viện để khám và điều trị thì đã đánh mất "thời gian vàng" để chữa bệnh.

Sản phẩm Cango được quảng cáo sai phép như thế nào? - Ảnh 1.

TPBVSK Cango được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên website cango.com.vn.

Phản ánh đến Báo Sức khỏe & Đời sống, nhiều bạn đọc cho biết, sản phẩm TPBVSK Cango do Công ty Cổ phần Dược phẩm Sakura (Số 11, ngách 66, ngõ Thống Nhất, đường Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối sản phẩm đang bị quảng cáo sai phép trên các website cango.com.vn và cangosakura.com.

Cụ thể, theo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 3537/2021/XNQC-ATTP TPBVSK Cango chỉ có công dụng: "Hỗ trợ tăng tiết dịch khớp; Hỗ trợ khớp vận động linh hoạt; Hỗ trợ giảm nguy cơ thoái hóa khớp". Tuy nhiên, trên trên website cango.com.vn lại quảng cáo sản phẩm này có công dụng "thần thánh" như sau:

"Hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh xương khớp như: Đau mỏi xương khớp, tê bì tay chân, đau vai gáy, vận động khó khăn; Chống viêm; Kích thích sản xuất collagen; Tăng sản xuất dịch khớp; Hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi các vùng sụn khớp bị tổn thương và thoái hoá; Hỗ trợ bôi trơn ổ khớp, làm giảm ma sát và tăng sản sinh dịch khớp giúp làm giảm tình trạng đau nhức, cứng khớp khi vận động; Hỗ trợ giảm viêm giữa các mô sụn, đào thải độc tố; Hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hoá, phòng tránh loãng xương; Cung cấp các dưỡng chất thiết yếu như: Vitamin K2, vitamin B3, vitamin B12, vitamin D3,… giúp xương khớp chắc khoẻ và tăng cường sức đề kháng để nâng cao sức khoẻ toàn thân".

Sản phẩm Cango được quảng cáo sai phép như thế nào? - Ảnh 2.

Việc sử dụng hình ảnh và lời nói của chuyên gia y tế để quảng cáo cho TPBVSK là hành vi vi phạm pháp luật.

Còn trên website cangosakura.com ngoài việc thổi phồng công dụng và liệt kê công dụng của từng thành phần có trong sản phẩm, để gia tăng độ tin cậy, sản phẩm còn được quảng cáo bằng cách sử dụng hình ảnh của chuyên gia y tế và lời chia sẻ của bệnh nhân.

Trên website này sản phẩm được quảng cáo giúp Kháng viêm – Tiêu độc; Tái tạo – Làm lành; Phục hồi – Nuôi dưỡng. Ngoài ra các thành phần có trong sản phẩm bao gồm hoạt chất Ayuflex, chiết xuất cây Nhũ Hương, chiết xuất vỏ cây liễu trắng, Collagen tuýp II còn giúp chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau, kích thích sản xuất collagen, tăng sản xuất dịch khớp và tăng chức năng khớp, tăng khả năng tái tạo màng sụn khớp…

Chưa hết, trên website này, hình ảnh và lời nói của PGS.TS Đoàn Văn Đệ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Thấp khớp học Việt Nam cũng được sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm Cango như sau: "Trong thành phần của sản phẩm Cango này, chúng tôi nhận thấy đã có đầy đủ các thành phần giúp giảm đau. Đồng thời, vừa có các thành phần giúp tăng cường tinh chất sụn, chống oxy hoá và bổ sung các vitamin, tăng cường các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ngoài ra, theo chúng tôi được biết, sản phẩm Cango đã được cấp phép bởi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y Tế. Như vậy, đây là sản phẩm có nguồn gốc, thành phần rõ ràng; có đầy đủ thông tin về đơn vị sản xuất, có sự cấp phép của các cơ quan quản lý Nhà Nước".

Sản phẩm Cango được quảng cáo sai phép như thế nào? - Ảnh 3.

Nhiều video với nội dung bệnh nhân chia sẻ về tính hiệu quả về sản phẩm nhằm gia tăng lòng tin cho khách hàng.

Trên website cangosakura.com còn đăng tải nhiều video với nội dung bệnh nhân chia sẻ về tính hiệu quả về sản phẩm nhằm gia tăng lòng tin cho khách hàng với các tiêu đề: Cô Hương – 50 tuổi giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp nhờ Cango; Chú Hòa – 60 tuổi thoát khỏi thoái hóa đốt sống lưng nhờ Cango; Chú Tú – 55 tuổi cải thiện thoái hóa khớp gối nhờ Cango.

Việc quảng cáo TPBVSK sai sự thật là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo, Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế và Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Khoản 9, Điều 8, Luật Quảng cáo số 47/VBHN-VPQH quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo nêu rõ: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế cũng quy định: "Công bố khuyến cáo về sức khỏe phải đúng bản chất của sản phẩm, chỉ công bố công dụng của thành phần cấu tạo có công dụng chính hoặc công bố công dụng hợp thành của những thành phần cấu tạo khi có bằng chứng khoa học chứng minh và không công bố công dụng theo cách liệt kê công dụng của các thành phần".

Pháp luật & Bạn đọc sẽ tiếp tục thông tin.

Duy Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sản phẩm Cango được quảng cáo sai phép như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO