PLBĐ - Sản phẩm Rizin được quảng cáo như một loại "thần dược" dành cho đàn ông bị bệnh yếu sinh lý, với một loạt công dụng khác nhau. Nhưng thực tế, sản phẩm này chỉ là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe và không có công dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Theo quy định, việc quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) phải tuân thủ theo quy định của Luật Quảng cáo, Nghị định 181/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo và Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Hành vi cố ý quảng cáo TPBVSK bằng cách "thổi phồng" về công dụng hay quảng cáo sản phẩm có tác dụng điều trị như thuốc chữa bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép. Ngoài ra, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được phép quảng cáo sản phẩm sai so với tác dụng thực tế. Đối với cá nhân quảng cáo sai sự thật và ở mức nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự.
Tuy nhiên, trên thực tế, còn có rất nhiều sản phẩm là TPBVSK nhưng lại ngang nhiên quảng cáo không đúng theo quy định, khác xa so với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp.
Theo thông tin phản ánh của ban đọc và tìm hiểu của PV, TPBVSK Rizin do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Crown (số 385 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10, TP. HCM) chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, đang có những dấu hiệu quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.
Cụ thể, theo Giấy xác nhận nhận nội dung quảng cáo số 3577/2020/XNQC-ATTP, sản phẩm TPBVSK Rizin chỉ có công dụng: "Hỗ trợ bổ thận, tráng dương; Hỗ trợ cải thiện khả năng sinh lý nam giới".
Tuy nhiên, trên website tangcuongsinhlucnam.com, rizin.com.vn và rizin.vn, sản phẩm Rizin được quảng cáo như một loại "thần dược" dành cho cánh đàn ông bị bệnh yếu sinh lý, với một loạt công dụng sau: "Bồi bổ sức khỏe: Duy trì sức khỏe cơ thể dẻo dai và bền bỉ thích hợp cho người luyện tập thể thao; Tăng cường sinh lực: Hỗ trợ tăng cường sinh lực, sức khỏe, tìm lại bản lĩnh, duy trì phong độ nam giới; Hỗ trợ giảm mệt mỏi: Bổ sung sức đề kháng cho cơ thể, đập tan mệt mỏi, tinh thần phấn chấn hơn".
Ngoài ra, website tangcuongsinhlucnam.com và rizin.com.vn khẳng định, sản phẩm Rizin: "Với sứ mệnh mang đến cho cánh mày râu một sức khỏe cường tráng, sinh lý mạnh mẽ và bền bỉ", có những công dụng sau:
"Bổ sung năng lượng: Cơ thể hấp tinh hoa dưỡng chất của Rizin Nhật Bản, phục hồi và thanh lọc độc tố. Cơ thể được giải phóng, tràn đầy năng lượng, tìm lại được cảm giác ham muốn ban đầu; Cải thiện X.T.S, tăng kích thước: Thận lực được cải thiện tối ưu, mạch máu được làm sạch giúp cho máu lưu thông đều hơn, từ đó dương vật dễ dàng cương cứng và hạn chế tinh trạng xuất tinh sớm;
Thời gian lâm trận lâu hơn: Sức khỏe được phục hồi đến 80%, tinh lực dồi dào, kéo dài được thời gian xung trận, kéo gần thời kỳ sung mãn. Ngoại hình trẻ hóa, tinh thần phấn chấn; Thăng hoa lấy lại khí chất: Nhân đôi sức mạnh cơ thể, khả năng sinh lý thăng hoa như cá gặp nước, làm chậm quá trình mãn dục nam, tìm lại khí chất phong độ đàn ông".
Còn website rizin.vn thì quảng cáo sản phẩm có công dụng: "Hỗ trợ cải thiện sinh lý nam giới: "Hỗ trị điều trị X.T.S., rối loạn cương dương, tăng ham muốn, ích tinh, nâng cao chất lượng tinh trùng; Tìm lại cuộc yêu thăng hoa, viên mãn: Tìm lại cảm giác ham muốn và khoái cảm, kéo dài thời gian xung trận, cải thiện kích thước; Tăng cường sản sinh hormone: Cân bằng nồng độ nội tiết tố nam testosterone, làm chậm quá trình mãn dục ở nam giới, tăng tiết sinh tinh; Tăng cường miễn dịch và sức đề kháng: Bổ sung dưỡng chất, tăng cường sức mạnh thể chất, săn chắc cơ bắp, nâng cao đề kháng, cải thiện hệ tiêu hóa…".
Không chỉ thế, cả ba website trên đều đăng tải video có nội dung Bs. Huỳnh Văn Quang (chuyên gia điều trị nam khoa - ủy viên ban chấp hành hiệp hội Đông Y Việt Nam) chia sẻ về công dụng của sản phẩm Rizin sai sự thật, khiến người tiêu dùng hiểu sản phẩm này có công dụng như thuốc điều trị yếu sinh lý.
Thậm chí, chia sẻ của Giáo sư Osanu Muraoka (Phó viện trưởng Kindai University) và Tiến sĩ Takashi Hiraishi (Chuyên gia hàng đầu ngành Y học phục hồi tái sinh Nhật Bản) về sản phẩm Rizu cũng được nhắc đến trong video và những website nêu trên.
Chưa hết, các website này còn đăng tải video và rất nhiều những lời chia sẻ của người bệnh về sản phẩm. Những chia sẻ của chuyên gia và bệnh nhân về sản phẩm cũng được đăng tải rất nhiều trong các video trên kênh youtube.com.
Dưới chân các trang web nêu trên đều được đóng dấu "Đã thông báo Bộ Công Thương" và bản quyền thuộc về Công ty TNHH chăm sóc sức khỏe Torch.
Theo quy định, việc chuyên gia về Y tế sử dụng danh tiếng, sức ảnh hưởng của bản thân để quảng cáo công dụng của sản phẩm sai sự thật đã tiếp tay cho hành vi lừa dối người tiêu dùng. Hơn nữa, việc quảng cáo TPBVSK sai sự thật, dùng lời chia sẻ của bệnh nhân để quảng cáo là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo; Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Pháp luật & Bạn đọc sẽ tiếp tục thông tin!