Bộ Y tế cho biết hiện cả nước chỉ còn 23 bệnh nhân COVID-19 nặng, lần đầu tiên không còn F0 nặng thở máy. Tại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau mắc COVID-19 ở trẻ em mới nhất, Bộ Y tế lưu ý không sử dụng các "gói" xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng áp dụng giống nhau cho mọi bệnh nhân tới khám hậu COVID-19.
Lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua không có bệnh nhân COVID-19 nặng thở máy
Bộ Y tế cho biết, ngày 9/7, ca mắc mới COVID-19 giảm xuống còn 684 ca; ít hơn 116 ca so với ngày trước đó Trong ngày số khỏi bệnh gấp gần 10 lần số mắc mới; tỉnh Quảng Ninh bổ sung 722 F0.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.754.348 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.521 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.756.387 ca, trong số các bệh nhân đang điều trị, giám sát hiện chỉ còn 23 trường hợp đang thở ô xy gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 21 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca. Như vậy số bệnh nhân nặng ở nước ta giảm 8 trường hợp so với ngày 8/7 và cũng là lần đầu tiên sau khoảng 1 năm qua không còn bệnh nhân nặng phải thở máy.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; Đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2022-2023.
Đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.
Nâng cao năng lực điều trị tại tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. Tăng cường giám sát, có các biện pháp đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng sau điều trị COVID-19.
Không sử dụng các "gói" xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng áp dụng giống nhau cho mọi bệnh nhân khám sau nhiễm COVID-19
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau mắc COVID-19 ở trẻ em Theo đó, đa số trẻ mắc COVID-19 sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Phần lớn trẻ em sau mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú và các triệu chứng sẽ khỏi sau 2-8 tuần.
Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh vẫn có một số trẻ có hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính. Hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính khi các triệu chứng xuất hiện sau ≥ 04 tuần khi trẻ đã khỏi bệnh và không giải thích được bởi bất kỳ chẩn đoán nào khác.
Hội chứng sau nhiễm COVID-19 bao gồm:
- Triệu chứng hô hấp là thường gặp nhất.
- Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em ít gặp nhưng nặng cần nhập viện cấp cứu. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em xuất hiện sau mắc COVID-19 khoảng 02 - 06 tuần khi trẻ bị: Sốt; Tăng các chỉ số viêm (CRP ≥ 5 mg/L, máu lắng, procalcitonin); Tổn thương ≥ 2 cơ quan (da niêm, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh)
Tại hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể quá trình khám cho bệnh nhân sau mắc COVID-19. Riêng về cận lâm sàng, Bộ Y tế lưu ý việc chỉ định các xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng tùy theo từng người bệnh, dựa trên các dấu hiệu/triệu chứng lâm sàng ở thời điểm thăm khám và định hướng chẩn đoán/chẩn đoán phân biệt.
Mục tiêu chính là loại trừ biến chứng nặng ảnh hưởng tính mạng; hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm nhiễm COVID-19 với các bệnh lý khác. Không sử dụng các "gói" xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng áp dụng giống nhau cho mọi bệnh nhân tới khám sau nhiễm COVID-19.
Xét nghiệm tiếp theo cho từng bệnh cụ thể: tùy theo biểu hiện ở từng chuyên khoa; Chẩn đoán phân biệt nguyên nhân của các triệu chứng sau nhiễm nhiễm COVID-19.
Bỉ thông báo bắt đầu chiến dịch mới tiêm phòng COVID-19 vào tháng 9 tới, áp dụng theo mức độ ưu tiên đối với các nhóm tuổi. Trước tiên là những người "có nguy cơ cao", những người từ 65 - 80 tuổi và bị suy giảm miễn dịch.
Sau đó, những người từ 80 tuổi trở lên và những người sống ở viện dưỡng lão sẽ được tiêm mũi tăng cường thứ hai. Giấy mời tiêm mũi tăng cường thứ hai (mũi thứ 4) đã được gửi đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất để họ có thể tiêm ngay mà không cần chờ đến tháng 9 tới. Nhân viên y tế cũng là đối tượng ưu tiên tiêm mũi thứ 4.
Tại châu Đại Dương, giới chuyên gia y tế của New Zealand cảnh báo nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới tại nước này, với các trường hợp nhiễm virus đang gia tăng và nhiều loại biến thể đồng thời xuất hiện. Ngày 5/7, nước này ghi nhận 9.629 ca mắc COVID-19.
Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới tại quốc gia ở châu Đại dương cán mốc 7.246 người/ngày, tăng so với mức 5.480 người/ngày trong giai đoạn 7 ngày của tuần trước đó. Đây là mức thống kê cao nhất trong hơn một tháng qua ghi nhận tại New Zealand.
Thái Bình