Bộ Y tế yêu cầu theo dõi chặt tình hình dịch COVID-19, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Bộ Y tế cho biết, ngày 19/1- tức 28 Tết có 30 ca mắc COVID-19 , giảm nhẹ so với ngày trước đó, trong ngày số khỏi bệnh gấp gần 5 lần số mắc mới.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.284 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.482 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.612.361 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, g sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 4 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 1 ca.
Đến nay đã 19 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca bệnh COVID-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch.
Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trước, trong và sau Tết, ngành Y tế tỉnh Lạng Sơn đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo về cơ sở vật chất và nhân lực; sẵn sàng các phương án để xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác có nguy cơ bùng phát trước, trong và sau Tết; tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu, biên giới; các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh; tổ chức trực 24/24 giờ để đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối với khu vực biên giới, cửa khẩu, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế yêu cầu các khoa, phòng, tổ kiểm dịch tiếp tục thực hiện nghiêm các hoạt động kiểm dịch y tế quy định tại Nghị định số 89/NĐ-CP, ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Các tổ kiểm dịch bố trí nhân lực trực 24/24 giờ tại các cửa khẩu; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về vật chất, trang thiết bị, phương tiện, hóa chất đảm bảo tốt cho hoạt động kiểm dịch y tế...
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 672,4 triệu ca, trên 6,7 triệu ca tử vong.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), từ ngày 30/1 sẽ dỡ bỏ quy định cách ly đối với những người mắc COVID-19. Việc dỡ bỏ yêu cầu cách ly là một phần trong quyết định của chính quyền Hong Kong hạ cấp độ COVID-19 từ một bệnh hô hấp nghiêm trọng xuống thành bệnh lưu hành, sau động thái tương tự tại Trung Quốc hôm 8/1 vừa qua.
Tuy nhiên, người dân ở Hong Kong vẫn phải đeo khẩu trang, ngoại trừ khi tập thể dục. Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại các đường biên giới từ ngày 8/1 sau khi đã từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 từ tháng 12/2022.