Sáng 31/1: F0 nặng tăng; WHO tiếp tục duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với đại dịch COVID-19

Thái Bình 31/01/2023 09:32

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nặng đều gia tăng; Tăng cường bảo vệ người bệnh COVID-19, hạn chế lây lan trong bệnh viện; Nhiều tỉnh, thành vẫn tiêm vaccine COVID-19 chậm; WHO tiếp tục cảnh báo đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng.

Ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 nặng đều tăng

Bộ Y tế cho biết, ngày 30/1 có 53 ca mắc COVID-19 , tăng 40 ca so với ngày trước đó. Trong ngày 30/1 chỉ có 3 bệnh nhân khỏi. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong 16 ngày qua.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.461 ca mắc COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.612.447 ca. Trong số các trường hợp đang giám sát, theo dõi, số bệnh nhân đang thở oxy là 8 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 3 ca; Thở  oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 3 ca. Đây là ngày có số lượng bệnh nhân nặng đang điều trị cao nhất trong hơn 1 tuần qua.

Ngày 30/1 cũng tròn 30 ngày Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Sáng 31/1: F0 nặng tăng; WHO tiếp tục duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Đến ngày 30/1, Việt Nam đã tiêm hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các biến thể mới liên tục được ghi nhận, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh đã xuất hiện ở 70 quốc gia. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành rà soát, đánh giá và tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn, phân công cụ thể tới từng đơn vị số giường bệnh COVID-19 để sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 có chỉ định nhập viện theo nguyên tắc 4 tại chỗ.

Còn nhiều địa phương tiêm chậm vaccine COVID-19 cho trẻ và mũi 3 cho người tư 12 tuổi trở lên

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 30/1, tổng số mũi tiêm vaccine COVID-19 trên cả nước là: 266.095.661

Số mũi tiêm thực hiện trong ngày 30/1 là 24.510 tại 16 tỉnh, trong đó 21.393 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 3.117 mũi tiêm cho trẻ 5- dưới 12 tuổi. Đây là ngày có số lượng tiêm vaccine COVID-19 nhiều nhất trong vài tuần qua.

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

- Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.900.199 mũi tiêm (81,2%) tăng 0,1%, trong ngày có 15 tỉnh triển khai với 10.504 người được tiêm

  • 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,3%); Bình Định (64,5%); Phú Yên (63%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%).
  • 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%).

- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.513.640 mũi tiêm (87,4%) tăng 0,1%, trong ngày có 10 tỉnh triển khai với 10.690 người được tiêm

Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.808.005 mũi tiêm (69,1%)

  • 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
  • 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).

Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.471.539 mũi tiêm:

- Mũi 1: 10.246.055 mũi tiêm (92,7%)

  • Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,5%); Quảng Trị (78,8%); Đà Nẵng (68,5%); TP HCM (64,6%), Bà Rịa- Vũng Tàu (73,3%)

- Mũi 2: 8.225.484 mũi tiêm (74,4%)

  • Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (56,1%); Đà Nẵng (37%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (41%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44,6%).

WHO tiếp tục cảnh báo đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng

Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng, mức cảnh báo cao nhất của WHO. WHO đánh giá đại dịch COVID-19 có thể đang trong thời điểm chuyển tiếp, cần được theo dõi cẩn thận để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Trong cuộc họp ngày 30/1, người đứng đầu WHO cho biết tổ chức này hy vọng tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn mới trong năm nay, trong đó số ca nhập viện và tử vong sẽ giảm xuống mức thấp nhất có thể.

Đầu năm 2020, WHO đã lần đầu tiên đưa ra cảnh báo đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Sau 3 năm, đại dịch đã khiến hơn 6,8 triệu người trên toàn cầu tử vong. Tuy nhiên, sự ra đời của vaccine và các phương pháp điều trị đã thay đổi đáng kể tình hình đại dịch. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng tình trạng khẩn cấp sẽ chấm dứt trong năm 2023, đặc biệt khi khả năng tiếp cận các liệu pháp điều trị COVID-19 được cải thiện trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sáng 31/1: F0 nặng tăng; WHO tiếp tục duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO