Đến nay số ca COVID mới, ca nặng đều thấp nhất so với nhiều tháng qua, trong đó F0 nặng chỉ bằng 1/100 giai đoạn cao điểm; Bộ Y tế đề nghị quyết liệt đẩy nhanh tiêm chủng, Không chủ quan với hậu COVID-19; Cấp độ dịch mới nhất
Bản tin ngày 5/6 của Bộ Y tế cho biết ghi nhận 685 ca COVID-19 mới trong ngày (giảm 196 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố, có 505 ca trong cộng đồng. Đây là ngày có số mắc mới thấp nhất tính từ cuối tháng 6/2021.
Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 207 F0, 35 tỉnh, thành còn lại số ca COVID-19 từ 1- 79 ca, trong đó 22 tỉnh, thành chỉ ghi nhận từ 1- 10 ca/ ngày.
Trước đây, có thời điểm cả nước đều ghi nhận bệnh nhân COVID-19 trong ngày, liên tục thời gian gần đây, nhiều địa phương đã nhiều ngày không có ca COVID-19.
Lần đầu tiên sau nhiều tháng, trung bình số ca COVID-19 mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua: 981 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.725.239 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.337 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.717.481 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.601.623), TP. Hồ Chí Minh (609.506), Nghệ An (484.803), Bắc Giang (387.587), Bình Dương (383.781).
Những chỉ số tích cực về phòng chống dịch COVID-19 đã làm cho bản đồ dịch tễ cấp độ dịch uy mô xã, phường trên cả nước cũng có sự thay đổi theo chiều hướng vùng xanh, vùng vàng gần như bao phủ toàn quốc.
Cập nhật cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cho biết trong số 10.604 xã phường cả nước, có đến hơn 98% xã, phường được xếp nhóm vùng xanh (nguy cơ thấp) và vùng vàng (nguy cơ trung bình). Con số này tăng so với vài ngày trước đó. Tính chung toàn quốc, số xã phường "vùng xanh" hiện chiếm gần 90%.
Hiện cả nước chỉ còn 7 xã phường (dưới 0,1%) là vùng đỏ (nguy cơ cao); Số xã phường thuộc vùng cam của cả nước hiện chỉ còn khoảng dưới 2%.
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta đến nay là: 9.504.955 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.177.204 trường hợp, trong đó có 35 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 29; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3; Thở máy không xâm lấn: 1; Thở máy xâm lấn: 2.
Đây cũng là thời điểm số ca COVID-19 nặng thấp nhất trong nhiều tháng qua, chỉ bằng 1/100 so với giai đoạn cao điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 của dịch COVID-19.
Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, tập trung truyền thông về đẩy mạnh tiêm chủng; Đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân nâng cao sức khỏe; cảnh báo với các biến chủng mới; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19; không chủ quan sau khi mắc bệnh.
Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) đã tổng kết trên 200 dấu hiệu của người sau mắc COVID-19.
Nổi bật là các dấu hiệu cảnh báo cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế, tổn thương tại phổi như khó thở; mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ, các dấu hiệu về giọng nói sau đặt nội khí quản...
Tổng số ca mắc trên thế giới vượt 535,2 triệu ca, trên 6,3 triệu ca tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng. Trong một bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết tỷ lệ dân số có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021. Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỷ lệ này hiện nay có thể thậm chí còn cao hơn.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney (Australia) đã tiến hành nghiên cứu, qua đó chỉ ra cách đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi các loại virus thường gây bệnh trong mùa Đông ở nước này, đồng thời có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể virus "trái mùa" độc đáo khác.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 31/5 cho thấy mô hình của virus hợp bào hô hấp (RSV) - một loại virus phổ biến vào mùa Đông - đã bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19 do các lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới. RSV giống như một loại virus gây cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, RSV có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới phổi của bệnh nhi, ví dụ như bệnh viêm phổi
Thái Bình