Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tròn 38 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19; Đến nay nước ta đã tiêm hơn 266,2 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố tiêm vaccine chậm, thấp; Cứu sống trẻ 2,5 tuổi nuốt 14 viên nam châm gây thủng tắc ruột.
Bộ Y tế cho biết ngày 7/2 có 14 ca mắc COVID-19 mới , tăng nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày 7/2 có 2 bệnh nhân khỏi.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.591 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.614.593 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát hiện chỉ còn 2 trường hợp bệnh nhân nặng đang thở oxy qua mặt nạ.
Đến nay đã tròn 38 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là : 266.210.057
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.933.570 mũi tiêm (81,4%), trong ngày có 3 tỉnh triển khai với 1.722 người được tiêm
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.546.606 mũi tiêm (87,6%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.809.663 mũi tiêm (69,1%)
Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.494.588 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.247.641 mũi tiêm (92,7%)
- Mũi 2: 8.246.947 mũi tiêm (74,6%)
BSCKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP HCM) cho biết bệnh viện vừa cứu sống bé trai L.T.Q. (26 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) bị thủng tắc ruột do nuốt 14 viên nam châm gỉ sét.
Theo đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bứt rứt, khó chịu, đau bụng, ói. Khai thác bệnh sử ghi nhận một tháng trước khi nhập viện, bé chơi ở nhà rồi nuốt các viên bi nam châm màu của một người chị.
Người nhà phát hiện và đưa bé đến cơ sở y tế địa phương chụp X-quang bụng. Kết quả hiển thị dị vật đang ở ruột non nên bác sĩ cho bé uống thuốc xổ và theo dõi phân của trẻ. Người nhà theo dõi thấy bé đi cầu bình thường nhưng không biết các viên bi đã ra hết chưa.
Tuy nhiên sau đó bé lại khó chịu, đau bụng, nôn nên người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Bác sĩ chụp X-quang bụng, phát hiện dị vật còn ở ruột non.
Một cuộc hội chẩn đã diễn ra giữa các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa với bác sĩ ngoại khoa. Bé nhanh chóng được nội soi đường tiêu hóa cấp cứu và nội soi ổ bụng, ghi nhận dị vật nằm ở đoạn đầu hỗng tràng, gây gập góc đoạn hỗng tràng thành một vòng viêm dính, thủng bít, thành hóa.
Các bác sĩ ngoại khoa quyết định cắt bỏ đoạn ruột viêm dính gập góc (khoảng 7cm) và nối ruột. Kết quả một tuần sau mổ, bé hết đau bụng, hết ói, tỉnh táo, tập ăn đường miệng, tiêu phân vàng.
14 viên bi nam châm với màu sắc khác nhau đều đã được lấy ra. Một số viên bi gỉ sét gây tổn thương ruột nghiêm trọng. Bé được tiếp tục theo dõi tổn thương niêm mạc ruột, chức năng đường tiêu hóa.
Qua trường hợp này, BS Tiến lưu ý phụ huynh không cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi kích thước nhỏ (qui định đồ chơi cho trẻ nhỏ < 5 tuổi, có đường kính tối thiểu phải lớn hơn 5cm).
Khi nghi ngờ con em mình nuốt phải dị vật, phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện xử trí kịp thời chứ để lâu các viên bi nam châm sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, thủng ruột các viên bi "hít nhau" gây vặn xoắn các quai ruột, gây tắc ruột…nguy hiểm cho tính mạng trẻ.