Bộ Y tế cho biết, số mắc COVID-19 trung bình 7 ngày qua ở nước ta là 910 ca/ ngày; 70-80% nguòi bị chấn thương do chơi thể thao đều ở lứa tuổi 20-35; Khuyến cáo của Bệnh viện 108 với người bệnh
Cả nước còn hơn 1,15 triệu người mắc COVID-19 đang điều trị, giám sát
Theo Bộ Y tế, ngày 8/6 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 913 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 47 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 716 ca trong cộng đồng). Hà Nội nhiều nhất với 187 ca. Đây là ngày thứ hai, Hà Nội ghi nhận số mắc COVID-19 dưới 200 ca/ ngày. Tại 46 tỉnh, thành còn lại khác, số mắc COVID-19 từ 1- 67 ca, trong đó 22 địa phương ghi nhận dưới 10 ca/ ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.727.918 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.333 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.720.156 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.602.206), TP. Hồ Chí Minh (609.595), Nghệ An (484.904), Bắc Giang (387.602), Bình Dương (383.788).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh tại Việt Nam là: 9.531.653 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.153.184 trường hợp, trong đó có 78 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 68; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4; Thở máy không xâm lấn: 1; Thở máy xâm lấn: 5.
Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm; Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro các đối tượng nguy cơ cao
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và tại khu vực châu Mỹ, châu Phi và Tây Thái Bình Dương. Các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh.
Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn...
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận và phân bổ vaccine cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới;
Từng bước tự chủ về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế để chuẩn bị cho tình huống mọi tình huống dịch bệnh;
Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em…);
Chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác...
70-80% người bị chấn thương do chơi thể thao đều ở lứa tuổi 20-35
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp chấn thương do chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-35 (chiếm tới 70-80%). Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, những môn đối kháng vật bị chệch khớp vai, thậm chí là chạy bộ, đi xe đạp…
Chấn thương do thể thao có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh.
Do đó, bác sĩ nhấn mạnh khi người bệnh có những biểu hiện như: Đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị. Đặc biệt, người bệnh không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp. Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.
Ngày 25/6 tới đây, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Việt Đức sẽ khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý do chấn thương thể thao. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được chụp Xquang và siêu âm miễn phí.
Tổng số ca mắc trên thế giới vượt 536,7 triệu ca, trên 6,32 triệu ca tử vong.
Ngày 7/6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra khoảng 13% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong tuần gần nhất. Một biến thể phụ khác - BA.2.12.1 - hiện là biến thể trội trên toàn nước Mỹ và chiếm tới 62,2% trong tổng số ca mắc mới tại nước này trong cùng thời gian nói trên.
Vào tháng 3 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung BA.4 và BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát, trong khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu liệt hai dòng phụ này vào danh mục "các biến thể đáng lo ngại."
Thái Bình