Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Theo các chuyên gia, bỏ room tín dụng giúp tăng tính chủ động cho các ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ .
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo các ngân hàng, việc bãi bỏ room tín dụng sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để ngăn tín dụng tăng trưởng nóng.
Theo báo cáo tài chính quý II, 8 ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng trên 10% tính đến 30/6 và đang kỳ vọng được nới room tín dụng, gồm: NCB (16%), LPBank (15,2%), HDBank (13%), Techcombank (12,9%), ACB (12,8%), MSB (11,4%), Nam A Bank (10,7%), và VietBank (10,2%).
Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng tại LPBank đạt gần 16%, tại HDBank là trên 15% so với đầu năm, theo tiết lộ của lãnh đạo các nhà băng này tại hội nghị với thường trực Chính phủ.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước phân bổ hết room tín dụng 15% cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo, từ ngày 28/8 các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý...
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia tài chính Đại học Nguyễn Trãi - cho biết, room tín dụng đã được sử dụng như một công cụ quản lý quan trọng của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng và kiểm soát lạm phát. Mỗi năm, NHNN phân bổ mức tăng trưởng tín dụng tối đa cho từng ngân hàng dựa trên năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro và điều kiện kinh tế vĩ mô. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng tín dụng tăng trưởng quá mức, đe dọa sự ổn định của nền kinh tế.
Theo ông Huy, trong những năm qua, chính sách room tín dụng đã được sử dụng linh hoạt để ứng phó với các biến động kinh tế. Ví dụ, trong giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề đến nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã nới rộng room tín dụng cho một số ngân hàng có khả năng quản lý rủi ro tốt, từ đó thúc đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, sản xuất và cơ sở hạ tầng.
"Tuy nhiên, khi nền kinh tế dần phục hồi và nhu cầu tín dụng tăng cao, room tín dụng bắt đầu trở thành rào cản cho sự phát triển của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại phản ánh rằng, họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn do đã gần chạm đến mức room tín dụng được phân bổ, dù nhu cầu tín dụng là hợp lý và có tính khả thi cao", ông Huy nói.
Ông Huy cho biết thêm, việc bỏ room tín dụng cần được đánh giá thận trọng, với cái nhìn toàn diện về các tác động tích cực và rủi ro tiềm tàng. Bỏ room tín dụng có thể giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế, nhưng điều này cũng cần đi đôi với các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả để tránh những hệ lụy tiêu cực như trong quá khứ. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình hợp lý để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà còn bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính.
Việc áp dụng linh hoạt các công cụ điều tiết khác như tỷ lệ dự trữ bắt buộc , tỷ lệ an toàn vốn, điều chỉnh lãi suất và giám sát tín dụng là những biện pháp cần thiết để đảm bảo tín dụng tăng trưởng một cách bền vững và hiệu quả. Quan trọng hơn cả, quá trình bỏ room tín dụng nên được thực hiện một cách có kiểm soát, từng bước và được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế, đảm bảo rằng các ngân hàng có thể chủ động nhưng không làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính.