Sáp nhập xã, phường ở Hà Nội: Nỗi lo của nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ

12/04/2024 19:08

Thời gian qua, đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025 đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, trong đó phải kể đến những hộ kinh doanh vừa và nhỏ nằm trên địa bàn các đơn vị hành chính bị sáp nhập, mất tên.

Theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, tại quận Hà Đông, TP Hà Nội, việc 3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, và Quang Trung được sáp nhập thành đơn vị hành chính mới mang tên Quang Trung hiện đang đặt ra nhiều thách thức, tác động đáng kể đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Việc phải thay đổi địa chỉ và các thông tin liên quan khiến nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn hai phường mất tên phải đối mặt với những vấn đề phức tạp có thể phát sinh, tốn kém về chi phí.

Sáp nhập xã, phường ở Hà Nội: Nỗi lo của nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ- Ảnh 1.
Sáp nhập xã, phường ở Hà Nội: Nỗi lo của nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ- Ảnh 2.
Sáp nhập xã, phường ở Hà Nội: Nỗi lo của nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ- Ảnh 3.

3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, và Quang Trung được sáp nhập thành đơn vị hành chính mới mang tên Quang Trung.

Thông tin với PV, anh Trần Ngọc Đình, chủ một cửa hàng thời trang ở phường Yết Kiêu (Hà Đông, Hà Nội), không khỏi lo lắng vì sau khi phường Yết Kiêu bị sáp nhập, anh sẽ mất thời gian, tiền bạc cho việc in ấn lại bảng biển, quảng cáo và nhiều giấy tờ khác liên quan.

"Tên phường là một phần nội dung được in trên biển quảng cáo, thời gian tới khi sáp nhập, chúng tôi chắc chắn phải thay đổi thông tin này trên bảng biển và giấy tờ kinh doanh, địa chỉ giao dịch, thậm chí cả thông tin với ngân hàng. Chỉ nghĩ thôi đã thấy tốn kém về thời gian, chưa kể trong quá trình thay đổi thông tin còn có thể phát sinh những rắc rối pháp lý, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng ngày của chúng tôi", anh Đình cho biết.

Sáp nhập xã, phường ở Hà Nội: Nỗi lo của nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ- Ảnh 4.
Việc thay đổi thông tin, địa chỉ khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ không khỏi lo lắng.

Cùng chung suy nghĩ, chị Nguyễn Thị Vượng, chủ một quán cà phê trên đường Trưng Trắc, phường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cũng không khỏi băn khoăn, liệu việc thay đổi tên phường có làm mất đi "sự nhận diện" của khách hàng đối với cửa hàng của chị.

"Tôi kinh doanh quán cà phê cũng đã nhiều năm. Thời gian tới, tôi rất lo việc phải thay đổi địa chỉ sẽ làm mất đi sự nhận diện thương hiệu của khách hàng đối với quán của chúng tôi, ảnh hưởng đến doanh thu. Ngoài ra, việc này cũng sẽ tạo ra áp lực đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ như chúng tôi khi phải thay đổi thông tin trên giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế...", chị Vượng nói.

Sáp nhập xã, phường ở Hà Nội: Nỗi lo của nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ- Ảnh 5.
Quán cà phê của chị Vượng nằm trên địa bàn phường Nguyễn Trãi.

Đa số người dân khi được hỏi đều nhận định, việc sáp nhập là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh những rắc rối về mặt hành chính có thể phát sinh, người dân mong muốn chính quyền sẽ xây dựng, tạo ra một cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp người dân tiết kiệm chi phí và thời gian khi phải thực hiện các thủ tục thay đổi, qua đó góp phần cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Ông Hoàng Văn Chiến, chủ một cửa hàng thuốc tại phường Yết Kiêu, cho biết: "Dù việc thay đổi địa chỉ và thông tin gây ra một số phiền toái nhất định, nhưng nó cũng mở ra cơ hội mới. Với việc sáp nhập, chúng tôi hy vọng sẽ có môi trường kinh doanh ổn định hơn và tiện lợi hơn cho khách hàng. Rất mong chính quyền có sự hỗ trợ và chính sách linh hoạt để giảm bớt gánh nặng pháp lý, thủ tục hành chính và tài chính đối với những hộ kinh doanh bị ảnh hưởng".

Sáp nhập xã, phường ở Hà Nội: Nỗi lo của nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ- Ảnh 6.
Đa số người dân bị ảnh hưởng đều mong muốn chính quyền sẽ có hướng dẫn, cơ chế phù hợp để không làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh

Theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP. Hà Nội về tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình HĐND quận thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn quận Hà Đông giai đoạn 2023 - 2025, vào cuối tháng 3/2024, 3 phường thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính là Yết Kiêu, Quang Trung, Nguyễn Trãi đã tổ chức và hoàn thiện lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Kết quả là, tổng số cử tri trên địa bàn 3 phường là 25.149. Tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 25.149, đạt tỷ lệ 100%. Số cử tri đồng ý phương án sắp xếp đơn vị hành chính mới là 24.785 cử tri, chiếm tỷ lệ 98,55%; số cử tri không đồng ý là 314, chiếm tỷ lệ 1,25%.

Số cử tri đồng ý với tên gọi đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp là phường Quang Trung là 24.660 cử tri, chiếm tỷ lệ 98,06%; số cử tri không đồng ý tên gọi mới là 443 cử tri, chiếm tỷ lệ 1,76%.

Phường Yết Kiêu có diện tích tự nhiên là 0,21 km2, đạt 3,83% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 9.672 người, đạt 64,48% so với tiêu chuẩn.

Phường Nguyễn Trãi có diện tích tự nhiên là 0,42 km2, đạt 7,64% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 13.305 người, đạt 88,70% so với tiêu chuẩn.

Trong khi đó, phường Quang Trung có diện tích tự nhiên là 0,8 km2, đạt 14,55% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 20.980 người, đạt 139,87% so với tiêu chuẩn.

Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính là do 3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung có đường địa giới hành chính liền nhau, có các khu dân cư xen kẽ, thuận lợi về giao thông, đồng bộ về hạ tầng. Khoảng cách các khu vực dân cư trên địa bàn 3 phường phù hợp để thực hiện sáp nhập thành 1 phường mới.

Sau sắp xếp, phường mới có diện tích tự nhiên 1,43 km2 (đạt 26,00% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số 43.957 người (đạt 293,05% so với tiêu chuẩn).

Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề với phường mới là phường Văn Quán, Phúc La, La Khê, Hà Cầu, Phú La, Vạn Phúc, Mộ Lao.

Nơi đặt trụ sở làm việc của phường mới là tại UBND phường Quang Trung và phường Nguyễn Trãi hiện tại.

Xem thêm video được quan tâm:


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sáp nhập xã, phường ở Hà Nội: Nỗi lo của nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO