PLBĐ - Có đủ năng lực hành vi dân sự, cam kết thời gian giải ngân từ thiện, có thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú,… là những quy định chặt chẽ về điều kiện hoạt động từ thiện của cá nhân theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
Rạng sáng ngày 28/9, bão số 4 (bão Noru) đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nước ta gây ra mưa to gió lớn tại nhiều địa phương. Mưa bão đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, cây xanh gãy đổ khắp nơi, mất điện trên diện rộng và ghi nhận nhiều người dân bị thương.
Trước tình hình mưa bão ở miền Trung, nhiều cá nhân mong muốn kêu gọi từ thiện để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kêu gọi từ thiện như thế nào để đúng theo quy định pháp luật lại là nỗi băn khoăn của nhiều người.
Để giải đáp thắc mắc trên, mời bạn đọc tham khảo nội dung trong Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Được biết, Nghị định 93/2021/NĐ-CP được ban hành ngày 27/10/2021 đã chính thức thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Theo đó kể từ ngày 11/12/2021 thì trường hợp cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được vận động, kêu gọi quyên góp từ thiện. Tuy nhiên cá nhân để kêu gọi từ thiện cần phải đáp ứng 6 điều kiện sau đây:
Điều kiện 1. Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự
Căn cứ theo điểm h khoản 1 Điều 2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP có quy định cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Quy định này đã khắc phục hạn chế của Nghị định 64/2008/NĐ-CP vốn chỉ ghi nhận quyền vận động quyên góp từ thiện của các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Bộ luật dân sự 2015, một cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự là cá nhân nhân từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Điều kiện 2: Cá nhân phải cam kết thời gian giải ngân từ thiện
Theo khoản 1 Điều 17 của Nghị định, khi vận động, tiếp nhận tiền, hiện vật từ thiện, cá nhân phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền) và địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian cam kết phân phối. Hiểu một cách đơn giản, cá nhân có trách nhiệm thông báo về khoảng thời gian sẽ thực hiện xong việc chuyển tiền, vật từ thiện đến người nhận từ thiện.
Điều kiện 3: Phải gửi văn bản thông báo đến UBND cấp xã nơi cư trú
Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 như đã nêu tại điều kiện 2, cá nhân khi thực hiện kêu gọi quyên góp từ thiện phải làm một văn bản gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú. Mẫu thông báo được ban hành kèm theo Nghị định này.
UBND cấp xã sẽ có trách nhiệm giám sát, cung cấp thông tin cho mọi người và cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát.
Điều kiện 4: Phải mở tài khoản riêng để nhận tiền từ thiện
Đây là một yêu cầu quan trọng đối với cá nhân kêu gọi từ thiện. Theo khoản 2 Điều 17 của Nghị định, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu.
Đặc biệt, sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận quyên góp đã cam kết, không được phép tiếp nhận thêm tiền ủng hộ và phải thông báo đến ngân hàng nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận tiền ủng hộ.
5. Phải thông báo với chính quyền nơi đến từ thiện
Khoản 1 Điều 18 của Nghị định yêu cầu cá nhân vận động từ thiện đều phải thông báo đến UBND nơi tiếp nhận để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể với các khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể.
Như vậy, mọi hoạt động từ thiện không thông qua chính quyền địa phương đều được coi là vi phạm quy định tại Nghị định này.
6. Phải ghi chép đầy đủ thông tin về việc phân phối tiền từ thiện
Đây là yêu cầu được nêu tại khoản 3 Điều 19. Cụ thể, cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ… và công khai trên phương tiện truyền thông. Đồng thời, phải gửi kết quả bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban trong vòng 30 ngày.
Ngoài ra, cá nhân còn phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thanh Hải(th)