Sầu riêng vườn 200.000 đồng/kg, bay đi TP.HCM gần 20 triệu đồng/vé

21/02/2024 17:21

Giá sầu riêng thu mua tại vườn vẫn ở mức rất cao, chạm mốc 200.000 đồng/kg. Hết vé máy bay đi TP.HCM sau Tết, khách đành chấp nhận nối chuyến mất gần 20 triệu đồng. Đó là những thông tin thị trường đáng chú ý tuần qua.

Giá sầu riêng chạm mốc 200.000 đồng/kg

Sầu riêng vườn 200.000 đồng/kg, bay đi TP.HCM gần 20 triệu đồng/vé - Ảnh 1.

Sầu riêng Monthong gom không đủ để trả đơn cho các đầu mối xuất khẩu nên giá thu mua tăng liên tục.

Theo ghi nhận của PV Báo Tuổi Trẻ, ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết), nhiều vựa thu mua sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang đã mua sầu riêng Monthong với giá 200.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong khoảng một năm qua, tương đương với mức giá hồi cuối năm 2022.

Thời điểm này, sầu riêng nghịch vụ đã vào giai đoạn kết thúc vụ nên số lượng không còn nhiều. Một số nhà vườn tại Tiền Giang, Bến Tre chủ yếu đang dưỡng cây để cho vụ thuận, trước tình hình xuất khẩu loại trái cây này đang có chuyển biến tích cực.

Sau khi sầu riêng chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022 đến nay, trái sầu riêng luôn có giá bán cao, bình quân từ 140.000-170.000 đồng/kg.

Hết vé máy bay đi TP.HCM sau Tết, nối chuyến mất gần 20 triệu đồng

Nếu không mua vé khứ hồi để về quê ăn Tết, người dân rất khó tìm được vé máy bay đi TP.HCM.

Theo Tạp chí Tri Thức, từ ngày 13/2 (mùng 4 Tết), vé máy bay một chiều từ các tỉnh phía Bắc đi TP.HCM đều hết sạch. Hành khách thậm chí phải tìm tới các chặng bay nối chuyến, có giá từ 5,5 triệu đồng đến hơn 19 triệu đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chủ yếu từ các tỉnh phía bắc về TP.HCM vào thời điểm sau Tết, dự kiến các hãng hàng không cần phải điều thêm chuyến bay rỗng đến sân bay Nội Bài. Cũng vì số lượng chuyến bay rỗng nhiều nên giá vé chiều bay từ Nội Bài (Hà Nội) và các tỉnh phía Bắc đi Tân Sơn Nhất hết sức đắt đỏ.

Mùng 4 Tết, giá rau xanh giảm 30% sau 2 ngày tăng cao

Sau khi tăng gấp 2-3 lần vào ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, theo VTC News, sáng 13/2 (mùng 4 Tết), giá rau xanh, thực phẩm bán tại một số chợ ở Hà Nội đã giảm 30-40%.

Lý giải về giá rau tăng cao trong 2 ngày Tết, chị Phạm Thị Nhâm, tiểu thương tại chợ Láng Hạ cho biết, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao sau ngày Tết, đồng thời tiểu thương còn ít kinh doanh rau nên giá tăng cao là điều bình thường mỗi dịp Tết.

Không chỉ rau xanh giảm giá mạnh, một số thực phẩm khác cũng giảm giá từ 20-30% so với 2 ngày trước đó. Tuy nhiên, một số mặt hàng như thịt bò, thịt heo, giá không cao hơn so với trước Tết Nguyên đán.

Dân chơi tiết lộ sự thật lan đột biến trăm tỷ sốt giá trở lại

Vài ngày trở lại đây, trên các “chợ lan đột biến online” lan truyền tin những loại lan đột biến từng được giao dịch vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng sốt giá trở lại.

Kèm theo đó là thông tin “giữ được lan sẽ thắng lớn” và hình ảnh các túi tiền to, thông tin sắp có giao dịch khủng giống như năm 2020 - thời hoàng kim của lan đột biến với các cuộc chuyển nhượng bạc tỷ.

Song một số người chơi lan đột biến ngay lập tức cảnh báo đây chỉ là chiêu trò đẩy giá tạo cơn sốt ảo để “lùa gà”. Cần cảnh giác, bởi trước đó có người đã đổ tiền tỷ vào buôn lan đột biến đến khi sập giá rồi mất trắng.

Ông H - người chơi lan đột biến có tiếng ở Hà Nội - thừa nhận lan đột biến trước có giá siêu đắt đỏ là vì hàng hiếm, nguồn giống chưa có. Cả thị trường có khi chỉ có một chậu duy nhất. Cung ít cầu lại nhiều, giá bị đẩy lên cao tạo ra những cơn sốt ảo.

Nhưng lan đột biến lại khá dễ nhân giống. Nhà vườn chỉ cần cắt kie là có thể nhân thành những cây lan con chỉ sau thời gian ngắn. Khi nguồn cung trên thị trường dồi dào, giá sẽ hạ nhiệt. Đây cũng là lý do lan đột biến giá ngày càng rẻ. (Xem thêm)

Giá lúa tăng khiến nông dân miền Tây 'vui như Tết'

Những ngày đầu tháng 2, nông dân ở các tỉnh miền Tây thu hoạch lúa vụ đông xuân sớm vui mừng vì giá lúa tăng cao.

Thông tin trên Báo Pháp Luật TP.HCM, anh Mạch Văn Vũ (U Minh Thượng, Kiên Giang) chia sẻ: giá lúa VNR20 đầu năm 2024 dao động từ 9.700-9.800 đồng/kg lúa tươi bán tại ruộng.

Tương tự, anh Huỳnh Quốc Nam (tại Gò Quao, Kiên Giang) cũng cho biết giá lúa dẻo đầu năm 2024 ở mức cao kỷ lục, từ 9.000-10.000 đồng/kg lúa tươi, mấy năm trước giá chỉ 5.000-6.000 đồng/kg lúa tươi.

Còn anh Nguyễn Minh Hiếu (Châu Thành, Trà Vinh) cho biết giá lúa IR504 được thương lái thu mua với giá 8.500 đồng/kg. So với năm 2022 và 2023, giá lúa năm nay tăng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg lúa tươi, một mức tăng đáng kể.

Quà Valentine tràn ngập chợ mạng, giá từ vài chục nghìn đồng đến tiền triệu

Dịp lễ Tình nhân Valentine năm nay, trên các hội nhóm mạng xã hội nhiều người rao bán các món quà tặng với nhiều mức giá khác nhau. Theo VTC News, các món quà chủ yếu là sô-cô-la, các loại hoa, đồng hồ, mỹ phẩm, nước hoa... có giá từ vài chục nghìn cho đến hàng chục triệu đồng.

Theo một số cơ sở kinh doanh quà tặng, năm nay, mặt hàng được chọn mua nhiều nhất chủ yếu là các loại mỹ phẩm, trang sức. Tuy nhiên, do thời điểm lễ Tình nhân diễn ra ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2024 nên người mua có xu hướng mua quà trên các nền tảng mạng xã hội. Các cửa hàng hoa tươi, quà tặng được bày bán rầm rộ nhưng vắng người mua.

Vụ muối đầu năm năng suất cao nhưng giá thấp, diêm dân thất thu

Vụ muối đầu năm nay của diêm dân Bến Tre rất thuận lợi do nắng gay gắt, không có mưa trái mùa, năng suất muối đạt cao. Tuy nhiên, theo VOV, diêm dân kém vui vì giá muối đầu vụ ở mức trung bình và thấp hơn gần phân nửa so với cùng vụ năm ngoái.

Ở thời điểm này, muối sản xuất theo mô hình phủ bạc chỉ ở mức gần 40.000 đồng/giạ; trong khi đó thời điểm này năm ngoái muối giá trên 70.000 đồng/giạ. Do đó, hiện đa số diêm dân sau khi thu hoạch muối đều trữ lại chờ giá lên mới bán để có lợi nhuận cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sầu riêng vườn 200.000 đồng/kg, bay đi TP.HCM gần 20 triệu đồng/vé
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO