Sau Tết người bệnh gout tái phát cần làm các điều sau để giảm đau

TS. BS Vũ Thị Thanh 31/01/2023 22:05

Hàng năm, sau mỗi kỳ nghỉ Tết dài, nhiều bệnh nhân gout đến bệnh viện khám hoặc phải nhập viện điều trị do bệnh tái phát gây đau đớn. Nguyên nhân là kỳ nghỉ Tết và du xuân hầu như người nào cũng được chúc rượu, uống rượu bia.

Bệnh gout là một loạ i viêm khớp gây ra do sự tích tụ của các tinh thể acid uric trong khớp. Đặc trưng bởi những cơn gout cấp - tình trạng đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái. Các cơn gout cấp có thể lặp đi lặp lại nếu không điều trị đúng cách. Chưa có cách chữa khỏi bệnh gout, nhưng bạn có thể điều trị và kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả bằng thuốc và các chiến lược thay đổi lối sống.

Biểu hiện của bệnh gout

Triệu chứng của bệnh gout hầu như luôn xảy ra đột ngột và thường xảy ra vào ban đêm, cụ thể người bệnh xuất hiện đau khớp dữ dội ở khớp ngón chân cái, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở nhiều khớp khác như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Cơn đau trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu. Sau khi cơn đau dữ dội giảm bớt, cảm giác khó chịu ở khớp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ. Khi bệnh gout tiến triển, bạn sẽ không thể cử động khớp như bình thường.

Sau Tết bệnh gout tái phát cần làm các điều sau để giảm đau - Ảnh 2.

Bệnh gout là một loại viêm khớp gây ra do sự tích tụ của các tinh thể axid uric trong khớp.

Ai có nguy cơ dễ mắc bệnh gout?

Một số yếu tố dễ gây ra bệnh gout và dễ gây tái phát cơn gout cấp hơn, bao gồm: Uống rượu, đặc biệt là uống nhiều bia và rượu mạnh. Chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ, hải sản, nước ngọt có ga và thực phẩm giàu fructose. Sử dụng một số loại thuốc như thiazid và thuốc lợi tiểu. Mắc các bệnh tăng huyết áp, suy thận, tăng triglycerid máu, tăng cholesterol máu, tăng acid uric máu, tiểu đường, béo phì và mãn kinh sớm… cũng dễ mắc gout.

Nếu không được chữa trị một cách hợp lý, những cơn viêm khớp này có xu hướng tái đi, tái lại và sẽ tiến triển đến viêm đa khớp mạn tính, nổi các nốt cục (được gọi là tophi) ở nhiều nơi và có thể gây sỏi thận, suy thận và những biến chứng khác. Mặc dù bệnh hay gặp nhất ở nam giới, tuổi trung niên trở lên; song nam giới trẻ tuổi và phụ nữ (thường ở độ tuổi sau mãn kinh) cũng có thể bị bệnh.

Một khi được chẩn đoán bệnh gout, người bệnh cần có chế độ điều trị hợp lý, kết hợp giữa việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng một số thuốc đặc trị bệnh gout một cách thường xuyên và lâu dài, ngay cả khi không có triệu chứng gì.

Người bệnh gout cần nhớ những điều sau

Việc điều trị bệnh gout sẽ bao gồm hai vấn đề chính là khống chế và dự phòng các đợt viêm khớp (bằng các thuốc kháng viêm) và hạ thấp nồng độ acid uric trong máu (thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống và sử dụng các thuốc hạ acid uric máu). Các biện pháp điều trị cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định tùy vào giai đoạn và tình trạng cũng như cơ địa của người bệnh.

Để phòng ngừa các cơn viêm khớp gout tái phát sau dịp lễ Tết, người bệnh gout hoặc có nguy cơ bị bệnh gout cần tiếp tục duy trì các thuốc điều trị đã được bác sĩ kê đơn, đừng vì du xuân mà bỏ thuốc hoặc uống thuốc thất thường. Việc ngưng thuốc đột ngột, dù vào bất cứ thời điểm nào đều có nguy cơ làm cho bệnh bùng phát. Tốt nhất sau Tết người bệnh nên đi tái khám bác sĩ và sẽ được cho xét nghiệm kiểm tra nồng độ acid uric máu, chức năng gan thận để thầy thuốc đánh giá và điều chỉnh thuốc nếu cần.

Sau Tết bệnh gout tái phát cần làm các điều sau để giảm đau - Ảnh 3.

Khi bị bệnh gout, người bệnh cần có chế độ điều trị hợp lý, kết hợp giữa việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt

Người bị bệnh gout và kể cả những người có tăng acid uric máu đơn thuần cần phải chú ý tới việc ăn uống của mình, đặc biệt vào những dịp du xuân, lễ hội. Không ăn nhiều thức ăn chứa quá nhiều đạm, cộng với việc uống rượu bia triền miên sẽ làm gia tăng đột ngột nồng độ acid uric trong máu và là điều kiện tốt để gout xuất hiện, thậm chí ngay cả khi bạn đang dùng các thuốc điều trị bệnh.

Cần hạn chế (tránh ăn nhiều) các thực phẩm quá giàu chất đạm như các loại thịt đỏ (thịt bò, cừu, dê, thịt thú rừng…), các loài hải sản nhuyễn thể (tôm, cua, sò, một số loại cá như cá trích, cá đối, cá mòi…), nấm, đậu, rau mầm; nên tránh tuyệt đối việc ăn các thực phẩm là phủ tạng động vật như lòng heo, tiết canh, hột gà lộn, hột vịt lộn; hạn chế tối đa việc uống rượu bia và các loại đồ uống ngọt như nước siro, nước ngọt có gas.

Nếu xuất hiện đau khớp, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau để tạm thời giúp giảm cơn đau:

- Cần nghiêm túc thực hiện dùng các thuốc điều trị gout đã được bác sĩ chuyên khoa kê trước đó nếu lâu nay vẫn dùng.

- Cần nghỉ ngơi, hạn chế đi lại để cho khớp viêm được nghỉ. Hạn chế tối đa cử động khớp, tránh đi lại tỳ đè lên khớp đau; tháo bỏ giầy dép, mặc quần áo rộng để tránh quần áo cọ xát vào khớp đau.

- Cần nghỉ tại giường và nằm kê khớp bị viêm cao hơn một chút so với mặt giường, ví dụ như kê chân đau lên trên một cái gối.

- Có thể chườm lạnh để giảm sưng đau khớp: Người bệnh nên dùng đá lạnh đã được bọc trong khăn vải chườm nhẹ hoặc đắp quanh khớp bị sưng đau khoảng 20 - 30 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày khi khớp vẫn còn đang sưng đau tấy đỏ nhiều.

- Cần uống nhiều nước, kiêng tuyệt đối rượu bia và tuân thủ chế độ ăn uống mà bác sĩ đã khuyến cáo. Khi cơn viêm khớp ổn, tiếp tục duy trì việc điều trị bệnh gout theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

- Nếu thấy tình trạng không thuyên giảm cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và điều trị thích hợp. Tuyệt đối không tự uống thuốc theo mách bảo dễ nguy hiểm đến tính mạng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sau Tết người bệnh gout tái phát cần làm các điều sau để giảm đau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO