Bài viết sau có nội dung về việc hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được quy định tại Chỉ thị 30/CT-TTg năm 2024.
Sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (Hình từ Internet)
Ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Theo đó, để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc trong giai đoạn mới thì Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các nội dung quy định trong Chỉ thị 30/CT-TTg năm 2024 như sau:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Chủ động, phối hợp xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển; trong đó xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa... Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng khung chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý II năm 2025.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý III năm 2025; xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng, miền, địa phương; nghiên cứu, đề xuất, kết nối hình thành quỹ khuyến khích sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo với các quỹ khác liên quan đến phát triển văn hóa nếu có.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức thường niên các sự kiện công bố sáng tạo quốc gia đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; tổ chức hoạt động tôn vinh, trao giải thưởng cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
- Chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung kế hoạch đào tạo theo từng giai đoạn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa. Đề xuất chính sách đào tạo nguồn nhân lực trẻ, tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp văn hóa; báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý II năm 2025.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng các chương trình hỗ trợ, tư vấn theo từng giai đoạn về công nghiệp văn hóa; hình thành các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo, nghệ thuật; hỗ trợ, kết nối các không gian sáng tạo trong cả nước và kết nối với mạng lưới không gian sáng tạo quốc tế; hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”.
- Chủ trì, phối hợp thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết giữa các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan, tác giả, chủ sở hữu, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng... trên cơ sở minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên; xây dựng hệ thống phần mềm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số.
Xem thêm Chỉ thị 30/CT-TTg ban hành ngày 29/8/2024.