Từ ngày 1/8, Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực được xem là bước ngoặt đối với thị trường bất động sản. Một nội dung đáng chú ý là việc “siết” lại những dự án không triển khai, chậm triển khai gây lãng phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua.
Nhiều dự án chậm trễ kéo dài
Tại TP.HCM, giai đoạn trước khi Luật đất đai năm 2024 được thông qua, thị trường nhà đất ảm đạm, kém sôi động. Nhiều dự án chậm triển khai nhiều năm, đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu tiếp tục.
Tại Quận 4, Dự án Lancaster Lincoln của chủ đầu tư Công ty TNHH Trung Thủy được khởi công từ năm 2017, nhưng sau khi xây dựng phần ngầm thì “bất động”.
Còn Dự án D-One Sài Gòn (quận Gò Vấp) của Công ty DHA thuộc TTC Land được phê duyệt từ năm 2016, song đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống.
Hay như dự án Dragon Riverside City (Quận 5) do Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long làm đơn vị phát triển, đã ngừng thi công từ năm 2019 đến nay.
Ông Nguyễn Duy Thành – Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà Toàn Cầu nhận định: Mặt tích cực khi Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực là quy định Nhà nước thu hồi đất mà không bồi hoàn với các dự án chậm tiến độ.
Ông Thành nói: "Giúp bảo vệ quyền lợi của người mua, vì nhiều dự án đã được khách hàng đặt cọc, xuống tiền nhưng 5-7 năm thậm chí 10 năm vẫn chưa triển khai được".
Theo quy định của Luật đất đai năm 2024, đất để thực hiện dự án đầu tư không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng.
Hết thời hạn được gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Doanh nghiệp phải làm đàng hoàng hơn
Ở góc độ chuyên gia, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Công ty Savills Việt Nam đánh giá, quy định này nhằm siết lại việc chủ đầu tư không đủ năng lực nhưng vẫn giành đất, “xí chỗ”, làm chậm quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý cũng cần đảm bảo tháo gỡ vướng mắc về pháp lý.
"Nếu giải quyết được khó khăn về pháp lý bất động sản mà trong vòng 12 tháng không triển khai là tích cực cho thị trường. Ở góc độ này, chúng ta phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với sự phát triển của đô thị", ông Khương nói.
Theo bà Dương Thùy Dung – Giám đốc điều hành, Công ty CBRE Việt Nam, khi Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực thì các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị từ trước và bắt nhịp ngay để bám sát trong quá trình phát triển dự án. Những chủ đầu tư bài bản, có uy tín chắc chắn không muốn vì sai sót mà làm chậm dự án.
Do đó, bà Dung cho rằng tác động tích cực của luật là thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động minh bạch, đàng hoàng hơn.
"Bản thân các chủ đầu tư sẽ chủ động đẩy nhanh quá trình phát triển dự án, tránh tăng chi phí phát sinh. Thời gian tới, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường khi một loạt dự án hiện đang chây ỳ sẽ được giải quyết", bà Dung nói.
Đặt vấn đề về bảo vệ quyền lợi cho người mua khi Nhà nước thu hồi đất, ông Nguyễn Duy Thành cho rằng cần làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ có do cơ quan quản lý chưa tháo gỡ được vướng mắc khách quan hay không.
Ngoài ra, cũng phải tính toán chặt chẽ hơn với trường hợp chủ đầu tư không có nguồn tiền thực hiện dự án lại đi chuyển nhượng dự án mà quyền lợi của bên tiếp nhận lại bị ảnh hưởng do sắp hết thời hạn.