PLBĐ - Để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đáp ứng kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình của dịch, nhiều địa phương đã lên kế hoạch cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà.
Ninh Thuận
Sáng 4/11, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch thí điểm cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 (F0) tại nhà ở 2 phường thuộc TP Phan Rang - Tháp Chàm và 2 xã thuộc huyện Ninh Phước. Theo đó, F0 điều trị tại nhà phải không có triệu chứng lâm sàng, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc có đủ 3 yếu tố sau: trẻ em trên 1 tuổi, người lớn trên 50 tuổi, không có bệnh nền và không đang mang thai. F0 phải cách ly ở nhà riêng lẻ hoặc căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, cơ sở lưu trú được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện cách ly, điều trị...
Trước cửa nhà F0 phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "ĐỊA ĐIỂM ĐIỀU TRỊ NGƯỜI BỆNH COVID-19"; có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2". Phải có phòng cách ly y tế, điều trị riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung. Không được dùng điều hòa trung tâm, bố trí bàn trước cửa phòng điều trị để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người bệnh F0. Tuyệt đối không mang đồ dùng, vật dụng của người bệnh ra khỏi phòng.
Về phương tiện và nguồn lực đảm bảo điều trị F0 tại nhà, phải có sẵn xe cấp cứu thường trực 24/24 trong phạm vi bán kính 10km để sẵn sàng hỗ trợ, vận chuyển kịp thời bệnh nhân lên tuyến trên, có túi thuốc cơ bản chăm sóc F0. Ở xã, phường, thị trấn thí điểm điều trị F0 tại nhà phải có ít nhất 1 tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
Long An
Tính đến ngày 4/11, tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Long An tuy cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tỉnh có 1.542 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị; số ca mắc trung bình khoảng 80-90 ca/ngày.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Long An đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, sẵn sàng đáp ứng diễn biến dịch trên địa bàn trong tình hình mới để "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, tỉnh bố trí phương án cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 gồm: tầng 1 (điều trị F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ) hiện có 11.550 giường, sau ngày 30/12 sẽ tăng lên 7.840 giường. Tầng 2 (điều trị F0 có triệu chứng suy hô hấp hoặc có yếu tố nguy cơ như phụ nữ mang thai, bệnh lý nền), hiện có 1.609 giường, sau ngày 30/12 sẽ là 559 giường. Tầng 3 (điều trị F0 có triệu chứng nặng và chuyển nặng), hiện có 380 giường, sau ngày 30/12 sẽ là 380 giường.
Trường hợp dịch ở cấp độ 4, khi số ca mắc lớn hơn số giường hiện có thì Long An sẽ kích hoạt lại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh (đã tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua) để thu dung, điều trị F0.
Long An cũng triển khai đồng thời 2 phương án là cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà và cách ly điều trị tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến. Tỉnh ưu tiên cho phép F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và gia đình có đủ điều kiện được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Các F0 mà gia đình không đủ điều kiện để tự theo dõi sức khỏe tại nhà thì được cách ly, theo dõi và điều trị tại bệnh viện dã chiến.
Đắk Lắk
Ngày 3/11, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại địa phương. Để đáp ứng kịp thời diễn biến dịch, ngành y tế sẽ áp dụng điều trị tại nhà với F0 không triệu chứng, đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế về chỉ định điều trị ngoại trú tại nhà, nơi cư trú.
Cùng với đó, toàn tỉnh sẽ có 184 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm theo dõi, điều trị 50-100 F0 được chỉ định điều trị tại nơi cư trú.
Đắk Lắk hiện có 6 cơ sở điều trị bệnh nhân F0 với quy mô 3.420 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng (tầng 1 cho bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ; tầng 2 điều trị bệnh nhân có triệu chứng; tầng 3 dành cho bệnh nhân nặng). Ngoài 2 bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động, tỉnh dự kiến thành lập thêm 2 bệnh viện dã chiến tại Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Văn hóa 3, nâng tổng số giường bệnh lên 3.800 giường.
Các đơn vị chuyển đổi công năng toàn bộ thành cơ sở thu dung, điều trị F0 gồm: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (100 giường, điều trị nhân tầng 2); Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (300 giường) và Trung tâm Y tế huyện Krông Búk (230 giường) điều trị bệnh nhân tầng 1 và 2. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện căn cứ tình hình thực tế, chuyển đổi 1 phần công năng để điều trị bệnh nhân tầng 2, tối thiểu 50 giường.
Ngoài Khu Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng (tầng 3, 90 giường), Đắk Lắk còn lập thêm 2 khu điều trị bệnh nhân tầng 2 và 3 với tổng quy mô 500 giường.
Hà Nội
Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì làm việc với TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian tới đây, Hà Nội vẫn phải cảnh giác, bởi thực tế cả nước, dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng. Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động. Các giải pháp phòng, chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên tắc ban đầu trong phòng, chống dịch, gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần "tập dượt" các phương án khác như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
T.H (th)