Theo luật sư, sau khi bị kê biên, 2 chiếc túi Hermès bạch tạng của bà Trương Mỹ Lan sẽ được mang đi đấu giá công khai. Về nguyên tắc, người trả giá cao nhất và phù hợp với yêu cầu từ cơ quan thi hành án sẽ là chủ sở hữu mới của hai món hàng hiệu đắt giá.
Sau gần một tháng gây xôn xao dư luận, ngày 17/10, số phận hai chiếc túi Hermès bạch tạng mà bà Trương Mỹ Lan xin lại “làm kỷ niệm cho con cháu” trong phiên tòa ngày 27/9 đã được định đoạt.
Tại trụ sở Tòa án Nhân dân TPHCM, Hội đồng xét xử (HĐXX) bác bỏ nguyện vọng của bà Mỹ Lan, tuyên thu giữ cả hai chiếc túi hàng hiệu đắt giá. Theo HĐXX, một chiếc túi có nguồn gốc từ tiền phạm tội mà có và chiếc còn lại có nguồn gốc từ tài sản riêng.
Câu hỏi đặt ra là hai chiếc túi Hermès bạch tạng sẽ đi về đâu sau khi bà Trương Mỹ Lan bị kết án?
Trả lời về vấn đề này, luật sư Trần Ngọc Thạch - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết theo quy trình, sau khi có bản án chính thức, tài sản bị kê biên được chuyển cho cơ quan thi hành án và thực hiện các thủ tục thu hồi tiền về ngân sách nhà nước để khắc phục hậu quả, cụ thể là đấu giá tài sản.
"Cơ quan thi hành án không tự làm hoạt động đấu giá, thay vào đó ký hợp đồng thuê một tổ chức đấu giá có chứng chỉ hành nghề hợp pháp. Tổ chức đấu giá chuyên nghiệp có nhiệm vụ công khai thông tin đấu giá tài sản, sau đó tổ chức phiên đấu giá. Về nguyên tắc, bên nào trả giá cao và đáp ứng được các điều kiện từ thi hành án, bên đó sẽ được sở hữu tài sản đó", chuyên gia chia sẻ.
Theo luật sư Trần Ngọc Thạch, bất kỳ ai đủ điều kiện luật định đều có thể tham gia đấu giá. Thân nhân bà Trương Mỹ Lan nếu có nhu cầu muốn lấy lại 2 chiếc túi hàng hiệu cũng có thể nộp hồ sơ và tham gia phiên đấu giá công khai. Nếu ra giá cao nhất, tài sản chắc chắn thuộc về họ. Thậm chí bà Trương Mỹ Lan cũng được phép mua lại tài sản của mình. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra trên thực tế bởi bị cáo đang là người không có đủ năng lực tài chính để khắc phục hậu quả bản án.
Luật sư nói thêm tổ chức đấu giá chỉ tổ chức phiên đấu giá về mặt kỹ thuật, không có trách nhiệm định giá tài sản. Họ sẽ thống nhất với cơ quan thi hành án mức giá khung của 2 chiếc túi trước khi đưa ra đấu giá công khai.
Về mặt thủ tục, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản tại thời điểm thu giữ và tính toán. Thông thường, căn cứ định giá dựa vào giá bán niêm yết tại cửa hàng đối với sản phẩm mới, kết hợp với khấu hao giá trị qua mỗi năm sử dụng.
Hiện chưa rõ con số cụ thể mà cơ quan nhà nước đưa ra cho 2 chiếc túi hàng hiệu. Tuy nhiên, trong phiên tòa ngày 27/9, bà Trương Mỹ Lan cho biết 2 chiếc túi Hermès bạch tạng trị giá hơn chục tỷ đồng.
Trong thế giới thời trang, túi Hermès bạch tạng (tên đầy đủ là Niloticus Crocodile Himalaya Birkin) là mặt hàng siêu hiếm, có tiền chưa chắc mua được.
Daniel Englander, một chuyên gia trong nhóm Quan hệ VIP của trang web bán lại hàng xa xỉ Fashionphile, chia sẻ với Page Six Style những chiếc túi Birkin này có giá từ 50.000 đến 80.000 USD tại các cửa hàng Hermès tùy theo kích cỡ, nhưng không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận mức giá "hữu nghị" này.
Nếu muốn sở hữu một chiếc túi Hermès bạch tạng đại diện cho đẳng cấp trong giới thượng lưu, các tay chơi hàng hiệu có thể tìm đến thị trường thứ cấp. Lúc này, con số bị đội lên gấp nhiều lần. Theo Englander, giá bán lại có thể dao động từ 100.000 đến 500.000 USD.
Một điểm cần lưu tâm là tại cửa hàng, túi càng lớn giá càng cao, nhưng điều này ngược lại trên thị trường thứ cấp. Trong khi size 30 phổ biến nhất, chiếc túi Himalaya Birkin 25 nhỏ nhắn lại được yêu thích và săn đón hơn.
Một điều hiển nhiên, hội đồng định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thể chạy theo sự thất thường của thị trường thứ cấp để xác định giá trị thực sự của 2 chiếc túi xách.
Bên cạnh đó, tài sản bị kê biên không giống như món phụ kiện hào nhoáng, dùng để phô trương giá trị người sử dụng. Hai chiếc túi của bà Trương Mỹ Lan phải đối mặt với nguy cơ không tìm được người mua trong phiên đấu giá đầu tiên.
Trong trường hợp này, luật sư Trần Ngọc Thạch cho biết có thể có nhiều phiên đấu giá. Nếu để mức giá ban đầu không ai mua, tổ chức đấu giá và cơ quan thi hành án tiến hành trao đổi lại để hạ giá xuống và tiếp tục đấu giá. Tuy nhiên, nếu giảm giá xuống mức mà thi hành án không thể chấp nhận, tài sản rơi vào tình trạng "tồn kho".
Theo luật sư, việc đấu giá nhưng không có người mua thường xuyên xảy ra. 2 chiếc Hermès bạch tạng của bà Trương Mỹ Lan có thể giống như hai siêu xe Rolls-Royce và du thuyền triệu USD của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, liên tục hạ giá nhưng không bán được.