GĐXH – Trong quá trình mổ nội soi đi vào bên trong ổ áp xe thùy gan trái, các bác sĩ bất ngờ phát hiện có một dị vật nằm gọn bên trong ổ áp xe, kích thước 4 cm.
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân có mảnh xương cá "đi lạc" vào trong gan gây áp xe.
Theo đó, bệnh nhân là N.H.H, 26 tuổi ở Hà Nội. Theo lời kể, bệnh nhân bị sốt cao liên tục (39 - 40 độ) 7 ngày, uống hạ sốt không giảm kèm theo đau bụng âm ỉ nên đã đến cơ sở y tế để kiểm tra. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết.
Sau 3 ngày điều trị kháng sinh nhưng vẫn tiếp tục sốt, đau bụng hạ sườn phải âm ỉ kèm ho húng hắng, rát họng, anh H tiếp tục đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khám và điều trị bệnh. Các xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy các chỉ số viêm trong máu tăng cao (tình trạng nhiễm trùng).
Bệnh nhân được điều trị tại khoa Khoa Vi rút ký sinh trùng với chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết - Áp xe gan. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa kết hợp với can thiệp ổ áp xe dưới siêu âm để dẫn lưu điều trị áp xe gan.
Tuy nhiên việc này gặp nhiều khó khăn bởi khối áp xe có nhiều vách khó có thể can thiệp qua siêu âm đạt được hiệu quả như mong muốn. Do tính chất ổ áp xe sát với bao gan (bao xơ bao bọc bên ngoài gan), lại chia nhiều vách bên trong và vị trí thuận lợi cho can thiệp nội soi để loại bỏ triệt để ổ áp xe.
Sau khi hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa Ngoại Gan mật của bệnh viện, bệnh nhân được tiếp nhận để tiến hành mổ nội soi. Trong quá trình mổ nội soi đi vào bên trong ổ áp xe thùy gan trái, các bác sĩ bất ngờ phát hiện có một dị vật nằm gọn bên trong ổ áp xe, kích thước 4 cm nhìn giống xương cá.
Theo TS Nguyễn Minh Trọng, Trưởng khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hóa và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi tiến hành mổ nội soi cho bệnh nhân, các phẫu thuật viên vừa vén mặt dưới của gan lên thì thấy ổ áp xe. Khi chạm vào ổ áp xe thì xuất hiện ngay ra dị vật là đoạn xương cá nhọn, dài 4cm khiến ê kíp rất ngạc nhiên.
TS Trọng cho biết thêm, xương cá hay mắc tại thực quản nhiều hơn vì xương cá thường không qua được thực quản và có thể gây thủng thực quản hoặc dạ dày. Trường hợp bệnh nhân này phát hiện xương cá ở trong gan nên nó phải đi vào từ đường tiêu hóa.
"Do vậy, để chắc chắn, chúng tôi phải phối hợp nội soi 2 ống mềm để soi dạ dày trong mổ tìm điểm thủng thành dạ dày", TS Trọng nói.
Bác sĩ chuyên khoa nội soi tiến hành ngay trong mổ để kiểm tra lại toàn bộ đường tiêu hóa trên, thực quản, bờ cong dạ dày thì đều không thấy tổn thương. Tức là dị vật có thể đã chui qua thành dạ dày, gây thủng rồi tự liền sau đó mới đi vào gan.
Cũng theo TS Trọng, thông thường những bệnh nhân có dị vật từ đường miệng đâm xuyên qua dạ dày và đi vào gan gây ổ áp xe tại gan. Ổ áp xe gan có xu hướng sẽ thông với dạ dày và vỡ mủ từng đợt chảy vào dạ dày. Nhưng trường hợp bệnh nhân này rất lạ là không phát hiện bất cứ tổn thương nào ở hệ tiêu hóa.
Sau khi được can thiệp mổ nội soi kết hợp với kháng sinh thích hợp, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân đã ổn định hơn, sớm được xuất viện.
Qua trường hợp này, các chuyên gia khuyến cáo, dị vật ở đường tiêu hóa có thể xảy ra với tất cả mọi người. Khi nghi hóc dị vật không nên tự lấy dị vật, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và lấy dị vật an toàn, tránh biến chứng nguy hại cho sức khỏe.