Sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả để 'thông chốt' có thể bị xử lý hình sự

16/08/2021 16:53

PLBĐ - Hiện tượng làm và sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả để qua các chốt kiểm soát dịch đang xuất hiện ở nhiều nơi khiến dư luận hoang mang. Ngoài việc bị xử lý hành chính, hành vi này có thể bị xử lý hình sự.

Liên tiếp phát hiện những trường hợp làm và sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả

Chiều 16/8, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết vừa phát hiện một trường hợp tự ý sửa giấy kết quả xét nghiệm đã hết hạn thành có hạn để "thông chốt". Cụ thể, vào lúc 8h30 sáng cùng ngày, chốt kiểm dịch COVID-19 tại cầu Non Nước (phường Đông Thành, TP Ninh Bình) phát hiện một trường hợp sử dụng giấy kết quả xét nghiệm COVID-19 có dấu hiệu sửa chữa.

Qua xác minh, làm rõ: bà T.T.T (SN 1983, trú thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, hiện là cán bộ Phòng Tổ chức - Hành chính Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Du lịch tỉnh Ninh Bình) đi từ nhà đến cơ quan. Khi đến chốt kiểm dịch trên, bà T. sử dụng một phiếu trả lời kết quả xét nghiệm COVID-19 do Trung tâm Y tế TP Ninh Bình cung cấp có ghi ngày 12/8 (đã hết hạn) có kết quả xét nghiệm âm tính được sửa lại thành ngày 14/8 rồi trình lực lượng chức năng.

Tại Công an phường Đông Thành, bà T. đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình và hứa sẽ không tái phạm.

Nữ cán bộ trường trung cấp sửa giấy xét nghiệm Covid-19 để qua chốt kiểm soát - Ảnh 1.

Bà T.T.T tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an Ninh Bình)

Có thể nói, việc sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả không chỉ là hành vi phạm pháp luật mà còn trái với lương tâm, đạo đức khi cả nước đang chung tay chống dịch. Nhưng trên thực tế, đã có không ít trường hợp làm và sử dụng giấy xét nghiệm giả để qua mặt cơ quan chức năng.

Chiều ngày 13/8, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, tổ công tác liên ngành phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại chốt kiểm soát dịch số A06 cũng đã lập biên bản đối với 4 người ở Quảng Ninh xuất trình giấy xét nghiệm giả để "thông chốt".

Cụ thể, lúc 18h30 ngày 12/8, tổ công tác liên ngành phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại chốt kiểm soát dịch số A06 (thuộc Km65+300 QL37 thuộc phường Ái Quốc, TP Hải Dương) kiểm tra xe ô tô BKS 14A - 559.20. Xe do Mạc Văn Hiến (SN 1978, thường trú tại xã Quảng Thành, Hải Hà, Quảng Ninh) cầm lái và chở theo 3 người.

Bốn người trên đã xuất trình phiếu xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính do Phòng khám Đa khoa 182 Lương Thế Vinh - Bệnh viện Đại học Quốc Gia Hà Nội cấp. Tuy nhiên, phát hiện nhiều biểu hiện nghi vấn, Thiếu tá Trịnh Công Điệp (cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương) đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt A06 làm việc với những người trên và xác định cả 4 người không đi xét nghiệm COVID-19. Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm trên là phiếu giả mạo, mục đích để đi qua các chốt kiểm soát dịch vào TP Hải Dương.

Sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả để 'thông chốt' có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 2.

Lực lượng công an làm việc với những người sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả tại chốt A06. (Ảnh: VTC News)

Trước đó, ngày 12/8, Công an TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Tấn Dương (34 tuổi, trú huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) để làm rõ hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức". Đối tượng đã làm giả hàng trăm giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 ở Bắc Ninh.

Cụ thể, khoảng 12h ngày 11/8, Công an TP Bắc Ninh kiểm tra tại Văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn, quảng cáo Thiên Nhân (phường Vân Dương, TP Bắc Ninh) do Dương làm Giám đốc. Tại đây, phát hiện Dương đang bán cho Vũ Văn Chiến (32 tuổi, trú phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) 6 phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19. Trong đó, 5 phiếu test nhanh, 1 phiếu xét nghiệm PCR của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ (phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) với số tiền 1 triệu đồng.

Khám xét khẩn cấp văn phòng in, Công an TP Bắc Ninh thu giữ thêm 7 phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cùng một số văn bằng xác nhận chứng thực giả và nhiều tang vật liên quan.

Sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả để 'thông chốt' có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 3.

Đối tượng Trần Tấn Dương tại cơ quan công an. (Anh: Bá Đoàn)

Tại cơ quan điều tra, Dương khai nhận do nắm bắt nhu cầu của công nhân, lái xe cần có phiếu xét nghiệm COVID-19 để đi làm nên đã nghĩ cách làm giả phiếu xét nghiệm để bán kiếm lời. Đối tượng đã sưu tầm phiếu xét nghiệm thật có dấu đỏ của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, scan và lưu lại trên máy tính rồi chỉnh sửa thông tin cá nhân theo yêu cầu mà khách đã chuyển qua zalo. 

Với thủ đoạn này, Dương đã làm và bán khoảng 150 phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19 với giá 150.000 đồng đối với phiếu test nhanh và 250.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR.

Sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả để 'thông chốt' có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 4.

Phiếu xét nghiệm giả do Dương sản xuất. (Ảnh: S.T)

Làm và sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời Dân trí, luật gia Nguyễn Văn Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, giấy xét nghiệm COVID-19 là văn bản do các cơ quan, tổ chức có đầy đủ chức năng và quyền hạn cấp cho người thực hiện xét nghiệm. Nếu người nào làm giả hoặc sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Luật sư cho rằng, việc làm giả và sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả là hành vi sai trái, đáng lên án, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người khác. Vì vậy, ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người làm giả, sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự, nếu người đó đã bị nhiễm COVID-19 mà vẫn sử dụng giấy xét nghiệm giả để trốn tránh các biện pháp phòng chống dịch của Nhà nước, gây hậu quả lây lan dịch bệnh cho người khác.

Điều 341: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Điều 240: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết hai người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả để 'thông chốt' có thể bị xử lý hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO