PLBĐ - Từng là một doanh nghiệp tiên phong với các sản phẩm đậu phộng làm mưa làm gió trên thị trường cách đây 30 năm, vì sao hiện nay Công ty cổ phần Tân Tân lại đang thoi thóp với những món nợ khổng lồ và 33 bản án buộc phải thi hành?
Tham vọng của "ông trùm" đậu phộng và tai tiếng về tài chính
Xuất phát điểm là một cơ sở chế biến đậu phộng chiên từ năm 1984, Đậu phộng Tân Tân với các nhãn hàng Đậu phộng nước cốt dừa, Đậu phộng da cá, Đậu phộng Amero, Hạt điều Wasabi, Đậu Hà Lan Wasabi, Hạt sen nước cốt dừa cùng nhiều sản phẩm ăn nhẹ đã từng có mặt trên khắp mọi nơi từ những quán ăn trên đường phố đến nhà bếp của từng gia đình.
Đến năm 1997, Công ty TNHH TM-CBTP Tân Tân (Nay là Công ty Cổ phần Tân Tân, trụ sở tại KP Nội Hóa 1, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã có một nhà máy quy mô hàng vạn m2 tại tỉnh Bình Dương với bộ máy nhân sự gần 1 nghìn nhân viên, quy mô kinh doanh trong nước với hơn 140 nhà phân phối, hơn 40.000 điểm bán lẻ, ở hầu hết các siêu thị và trung tâm thương mại chiếm 80% thị phần trong cả nước.
Ngoài ra, Tân Tân còn xuất khẩu đến các thị trường trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nigeria, Cuba…. Khó có thể tưởng tượng được, một sản phẩm có giá chỉ vài ngàn đồng một gói mà làm mưa làm gió trên thị trường vào thời điểm đó. Thậm chí có lúc, số điểm bán lẻ của Tân Tân trên cả nước trên 150.000 tức là ngang với các thương hiệu FMCG như Unilever.
Ông "trùm" đậu phộng Trần Quốc Tân - Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Tân đã từng khẳng định, sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty và niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch, với tham vọng biến cổ phiếu của Tân Tân thành "điểm nóng" của các nhà đầu tư trong năm 2007, thời điểm mà người người, nhà nhà lao vào cổ phiếu.
Nhưng, sự nổi tiếng không giữ được lâu khi công ty này bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Chỉ trong vòng chưa đến 5 năm, Tân Tân đã rơi vào tình trạng "ăn đong" đơn hàng. Thông thường, công ty đã ký hợp đồng hàng sản xuất đến hết quí 1 năm sau, nhưng trong 2011, nguồn hàng của Tân Tân sản xuất chỉ còn đến tháng 12 là hết. Ông "trùm" đậu phộng đã khiến cho công ty nổi nhất, lớn nhất về sản xuất đậu phộng nay phải khó khăn, chật vật.
Công ty Tân Tân "ôm" một khoản nợ khổng lồ?
Hàng loạt dự án bất động sản chết yểu, cộng với kinh doanh đậu phộng sa sút, có lúc phải ngừng hoạt động, kéo theo món nợ hơn 340 tỷ đồng nợ cá nhân, doanh nghiệp và cả nợ Nhà nước. Trong khi tất cả các tài sản nhà xưởng máy móc trang thiết bị để sản xuất, thậm chí kho chứa hàng cũng đều đã bị mang đi thế chấp cầm cố và tất cả các món thế chấp này đều là những món nợ xấu không còn khả năng trả nợ.
Nhiều ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, MB Bank đang đau đầu vì món nợ lớn khó đòi từ công ty Tân Tân. Các đối tác chuyên cung cấp nguyên phụ liệu cho Tân Tân giờ là chủ nợ chưa biết khi nào đòi được. Có doanh nghiệp trước đây từng là đối tác của Tân Tân nay đã phải phá sản. Nhiều người bỗng chốc trở thành tay trắng cũng chính từ hệ lụy tham vọng của ông "trùm" đậu phộng Tân Tân.
Ngay cả Cục Thuế tỉnh Bình Dương cũng trở thành "chủ nợ" bất đắc dĩ của Tân Tân. Trong thông báo số 34067/TB-CT, Cục thuế đã gửi ngày 16/7/2019 yêu cầu Công ty Cổ phần Tân Tân phải nộp số tiền nợ thuế hơn 50,4 tỷ đồng.
Dù Cục thuế tỉnh Bình Dương đã gửi nhiều quyết định xử phạt nhưng đến nay Công ty Tân Tân không chịu chấp hành gây thất thoát lớn nguồn ngân sách Nhà nước. Không những nợ hơn 50 tỷ đồng tiền thuế suốt thời gian dài, Công ty Tân Tân còn nợ hàng chục tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền bảo hiểm xã hội và nợ cả tiền của người lao động.