Hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 20/9/2024 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán để kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập.
Nội dung đề cập tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 08/9/2024 về Phien họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.
Hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 20/9/2024 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán để kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 6025/VPCP-KTTH ngày 23/8/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Như vậy, Chính phủ sắp sửa Nghị định 155/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Sửa Nghị định 155/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán (Hình từ internet)
Dự thảo Nghị định |
Hồi đầu năm 2024, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 122/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, trong đó, Chính phủ quyết tâm để thị trường chứng khoán được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và tập trung phát triển nhanh, bền vững theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Về công tác nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, Thủ tướng có chỉ đạo như sau:
(i) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xử lý nhanh chóng, kịp thời và có kết quả các vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo kết quả triển khai thực hiện trong tháng 6 năm 2024.
- Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020/NĐ-CP, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/6/2024.
(ii) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.
(iii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Nghiên cứu triển khai việc thanh toán, bù trừ an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và phù hợp với quy luật của thị trường, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.
(iv) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024.
(v) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện, kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống giao dịch chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin, chủ động xây dựng các quy trình kiểm soát rủi ro, biện pháp xử lý, ứng phó với những tình huống cấp bách, không để xảy ra sự cố kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính, quyền lợi cho nhà đầu tư.
Theo Điều 4 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
- Chứng khoán phái sinh;
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Cụ thể, các loại tài sản này được giải thích như sau:
Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.