Ngậm tăm sau bữa ăn, người đàn ông không rõ nuốt phải tăm lúc nào và dị vật đã tạo thành ổ loét trong dạ dày. Các chuyên gia khuyến cáo, thói quen ngậm tăm sau ăn không chỉ mất thẩm mĩ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mắc dị vật đường tiêu hóa.
Nguy hiểm từ thói quen ngậm tăm
Sau bữa cơm tối, bệnh nhân N.D.L, 43 tuổi (Hà Nội) xuất hiện chứng ợ hơi ợ chua và đau. Triệu chứng này tăng lên nhiều nên đã vào bệnh viện khám. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một dị vật dài không nhỏ, nhọn nằm trong hang vị.
Bệnh nhân đã được bác sĩ thực hiện thủ thuật lấy dị vật ra là chiếc tăm dài gần 10 cm. Vì được gây mê trước khi nội soi lấy dị vật nên bệnh nhân không có cảm giác đau đớn. Theo lời kể của bệnh nhân L, trước vào viện 1 ngày, sau ăn có ngậm tăm và nằm ngủ quên không rõ đã bỏ tăm đi chưa.
Hình ảnh nội soi cho thấy rõ dị vật của bệnh nhân N.D.L. Ảnh BVCC
Cách đó không lâu, các bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành nội soi gắp 1 chiếc tăm nhọn dài 5cm găm vào thành dạ dày cho một bệnh nhân T. V.T 50 tuổi ở Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Điều đáng nói là chiếc tăm đã tạo thành ổ loét trong dạ dày người bệnh. Bệnh nhân này có thói quen ngậm tăm sau bữa ăn và cũng không rõ là nuốt phải tăm lúc nào chỉ thấy xuất hiện đau nhói vùng thượng vị.
BS Bùi Văn Long – Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, trường hợp như bệnh nhân L không phải hiếm gặp. Dị vật đường tiêu hóa dễ gặp ở mọi lứa tuổi do yếu tố khách quan.
Thói quen ngâm tăm sau bữa ăn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nuốt phải dị vật dài, sắc nhọn trong thời gian dài không được phát hiện, xử lý có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây ra xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây ápxe trong thành ống tiêu hóa hoặc viêm phúc mạc,... Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do các thành phần là các chất độc có trong dị vật...
Đối tượng dễ bị dị vật đường tiêu hóa
Theo chuyên gia, những đối tượng hay gặp phải những dị vật đường tiêu hóa là:
- Trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi.
- Người có răng yếu, hoặc có răng giả.
- Người cao tuổi, người mắc bệnh tâm thần.
- Người có thói quen ăn uống không cẩn thận (ăn nhanh, nuốt vội…).
- Có tiền sử phẫu thuật dạ dày - tá tràng (cắt dạ dày - tá tràng, nối vị tràng…).
- Người có bệnh lý ở dạ dày - tá tràng: hẹp môn vị, làm ứ đọng thức ăn hoặc người có bệnh viêm tụy mạn.
- Trẻ em ăn nhiều quả chát: ổi xanh, quả sim, xoài xanh,… thì cũng có nguy cơ dễ hình thành dị vật trong dạ dày - tá tràng,...
Mọi người không nên có thói quen ngậm tăm sau khi ăn. Ảnh minh họa
Những người bệnh khi mắc dị vật thực quản thường có biểu hiện nuốt đau, đau cổ, đau ngực tăng dần. Khi người bệnh có những biểu hiện bất thường này cần đi khám ngay để xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm không đáng có. Hiện với những trường hợp bị dị vật, thông thường bệnh nhân được tư vấn nội soi và được xử trí gắp dị vật ra an toàn.
Người bệnh khi bị hóc, sặc dị vật trong họng không được tự ý dùng tay móc hoặc sử dụng các phương pháp chữa mẹo (theo dân gian) mà cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và lấy dị vật tránh nguy hiểm đến tính mạng.