Công an đang tiếp tục làm rõ các dấu hiệu phạm pháp của tà giáo 'Thiên triều Nam Quốc'.
“Đức vua” của “Thiên triều Nam Quốc” tức “chị Tư con cô Bảy” là phụ nữ đơn thân, được cho là có nhan sắc, ăn nói có duyên và quan hệ rộng trong xã hội.Với vỏ bọc là doanh nhân thành đạt, người phụ nữ này thường tổ chức nhiều đợt từ thiện, tặng quà, tặng tiền cho người nghèo.
“Đức vua” lấy chồng
Theo lời kể của một số người từng tham gia tà giáo này, “đức vua” sống tại TP Phan Thiết nhưng đặt “thiên cung” tại một tiệm cầm đồ ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc; còn “linh cung” đặt tại khu dân cư Hàm Liêm, cạnh Khu công nghiệp Phan Thiết.
Những buổi cúng bái quái dị đều diễn ra từ 23 giờ đến 4 giờ hôm sau. Ảnh: PHÚ NHUẬN
Thời gian “thiết triều” của tổ chức “Thiên triều Nam Quốc” thường vào ban đêm tại “thiên cung”. Một số tài xế taxi cũng xác nhận có rất nhiều lần chị em bà Nguyễn Thị Ngọc Lan gọi taxi chở đến địa điểm này vào lúc nửa đêm.
Ngoài việc “thiết triều” tại “thiên cung” và “thiết triều online” qua Zalo để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, thỉnh thoảng “đức vua” còn triệu tập nhiều nhóm chuẩn bị lễ vật rồi lên xe đi đến các vùng biển vắng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Nha Trang (Khánh Hòa) và các vùng biển ở Bình Thuận để cúng bái.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, cuối tháng 12-2023, sau khi NTT (em trai bà Nguyễn Thị Ngọc Lan) ly hôn vợ là chị TTBD thì chỉ một thời gian ngắn, T đã làm lễ kết hôn với… “đức vua”.
Người phụ nữ mặc đồ cổ trang tự xưng là “đức vua” của “Thiên triều Nam Quốc” tổ chức lễ cưới với ông T.
Lễ cưới được diễn ra khá hoành tráng, cả T và “đức vua” đều mặc áo dài đỏ để làm lễ và chụp ảnh. Trước khi diễn ra lễ cưới, “đức vua” cho các thành viên trong tổ chức biết do là “vua” nên bà có quyền kết hôn với nhiều người đàn ông. Trong đó, chỉ một người là chính thất, gọi là nam hậu, những người còn lại là thứ phi.
Theo tố cáo của chị D, để được kết hôn với “đức vua”, chồng cũ của chị phải nộp tiền hồi môn gồm 100 triệu đồng cùng một cặp nhẫn cưới, một vòng trang sức bằng ngọc trai và một sổ đỏ lô đất ở phường Hàm Tiến trị giá nhiều tỉ đồng. Dù nộp của hồi môn với số tài sản lớn nhưng ông T chỉ được phong là “thứ phi”!
Có dấu hiệu phạm pháp
Ngoài việc thao túng, dụ dỗ… để thu hút những thành viên mới vào “Thiên triều Nam Quốc”, tà giáo này hướng đến tiền cống nạp của những người u mê, cuồng tín nộp vào để gây quỹ theo lệnh của “đức vua” hoặc lệnh của “tướng quân” Chu Tước.
Một buổi cúng bái tại nơi được gọi là “linh cung” và hộp con dấu mà tà đạo này sử dụng bị công an thu giữ (ảnh nhỏ).
Ngoài Chu Tước, L (người quản lý tài chính), còn có tài xế tên N cũng được phong “tướng quân” và một người đàn ông gần 40 tuổi tên T có bí danh là Lưu Công Công. Những người này đều được “đức vua” trả lương, thưởng khi có thành viên chuyển tiền cống nạp.
“Đức vua” cũng huy động cả em gái vào tổ chức và ban cho bí danh Tây Phương Quận chúa. Nhiệm vụ của quận chúa xinh đẹp này là thường xuyên gặp gỡ, tiếp cận những người có địa vị, giàu có để nắm tình hình, nếu điều kiện thuận lợi thì lôi kéo những người trên vào tổ chức “Thiên triều Nam Quốc”.
Khi tiếp cận những con mồi, nhóm này thường rất hào phóng, tặng nhiều quà đắt tiền, sau đó kết nghĩa để đưa các nạn nhân vào bẫy. Khi nhận tiền cống nạp từ các thành viên cuồng tín, “đức vua” không bao giờ xuất hiện mà chỉ những người dưới trướng đi nhận và hầu hết “giao dịch” đều là tiền mặt.
Đối với những người trước đây là nạn nhân của tà giáo “Thiên triều Nam Quốc”, khi đã kiệt quệ tài sản, tinh thần thì “đức vua” luôn chỉ đạo lôi kéo họ phục vụ cho tổ chức để được trả lương hoặc hưởng tiền hoa hồng đối với từng phi vụ.
Bàn thờ với những tranh, tượng mà “đức vua” ban tặng.
Cụ thể, đó là trường hợp của bà K (chị bà Nguyễn Thị Ngọc Lan). Trước đây, bà K đã cùng gia đình cống nạp rất nhiều tài sản cho “Thiên triều Nam Quốc” đến khánh kiệt và hiện nay đang là người phục vụ đắc lực của “đức vua”.
Theo tố cáo của anh K (chồng cũ của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan), lúc đầu thấy cả gia đình vợ theo tà giáo “Thiên triều Nam Quốc” và liên tục được “đức vua” mời đến “thiên cung”, “linh cung”, có rất nhiều người tham gia, trong đó có cả cán bộ nên anh K đồng ý gia nhập, được ban cờ vàng và được đặt bí danh là Gia Khánh.
Theo tố cáo, cuối tháng 10-2023, “Chu Tước” (Khổng Tước) gửi tin nhắn trên Zalo vào nhóm 32 gồm 10 thành viên, khẳng định người có bí danh Gia Khánh sắp chết và yêu cầu anh K phải nộp vào ngân khố của tổ chức 2 tỉ đồng tiền mặt để giữ mạng.
“Do tâm lý không ổn định nên khoảng 15 giờ 30 ngày 2-11-2023, tôi đã đem 2 tỉ đồng tiền mặt bỏ vào thùng mì tôm theo hướng dẫn, bên ngoài phủ vải vàng đem đến “linh cung” đưa cho “đức ngài Chu Tước”” - anh K kể.
Khoảng một tuần sau, sáng 10-11-2023, “đức vua” cho bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ anh K) biết vài ngày nữa anh K sẽ chết nên yêu cầu phải chuyển thêm 2 tỉ đồng nữa thì tính mạng mới giữ được.
“Đức vua” quốc phong cho anh K là Gia Khánh.
Quá lo sợ nên đến trưa cùng ngày, anh K đã chuyển vào tài khoản của vợ thêm 2 tỉ đồng để vợ rút tiền đưa cho tà giáo.
Theo anh K, ngoài 4 tỉ đồng trên, từ ngày 29-9-2023 đến 15-4-2024, trước khi ly hôn, chỉ riêng vợ anh đã chuyển tiền cho “đức vua” và “Chu Tước” khoảng 10 tỉ đồng.
“Số tiền này có được là do thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 4 tỉ đồng; chuyển nhượng năm thửa đất ở Phan Thiết và Bắc Bình được hơn 5 tỉ đồng và tiền thu hồi nợ hơn 2 tỉ đồng nữa” - anh K khẳng định.
Cũng theo tố cáo của anh K, ngày 2-11-2023, khi anh mang 2 tỉ đồng tiền mặt đến “linh cung” trao cho Chu Tước.
Cho rằng đây là một tổ chức phi pháp, anh K đã quyết định xóa hình xăm sau cổ, rời khỏi “Thiên triều Nam Quốc”, ly hôn, giành quyền nuôi con.
Đáng nói là do u mê, cuồng tín nên hai con nhỏ của anh K và ba con của chị D đang sinh sống trong gia đình này bị buộc nghỉ học, không được đến trường vì sợ “tà ma” hãm hại.
Cả gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Lan là nạn nhân của tà giáo này. Từ một gia đình trí thức, thành đạt đến nay phải ly tán, khánh kiệt, thậm chí vi phạm pháp luật vì cuồng tín.
Sự xuất hiện của tà đạo “Thiên triều Nam Quốc” ngoài xâm phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội còn làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội và có dấu hiệu phạm pháp, gieo rắc sợ hãi để trục lợi và cơ quan chức năng đang làm rõ tà giáo này.
Nhận diện, xử lý nghiêm, không để tà đạo lây lan Sự xuất hiện của tà đạo “Thiên triều Nam Quốc” ngoài xâm phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội còn làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc...”. Tuy nhiên, tà đạo “Thiên triều Nam Quốc” hoàn toàn không có giáo lý, giáo luật mà mục đích chính là vụ lợi, trái pháp luật. Những clip được chia sẻ trên mạng xã hội gần đây của tà đạo này cho thấy họ thường xuyên tổ chức tụ tập đông người, làm lễ tập thể lúc nửa đêm, đốt lửa, đọc thần chú gây mất an ninh nông thôn, vi phạm quy chế bảo vệ an ninh trật tự của khu dân cư. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng Ðiều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 như: Ép buộc, mua chuộc người khác; xâm phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi... Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng... Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Do đó, theo tôi, cần phải nhận diện, cảnh giác và xử lý nghiêm, chấm dứt ngay, không để lây lan tà giáo đã gây ra nhiều hệ lụy này. Ông NGUYỄN MINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận |