PLBĐ - Bất cứ ai sử dụng thuốc đều có thể gặp phải tác dụng phụ không mong muốn, không phân biệt tuổi tác, tình trạng sức khỏe…
Các triệu chứng khi gặp tác dụng phụ của thuốc
Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Trang Thúy, Đại học Y Hà Nội đã chỉ ra các triệu chứng khi gặp tác dụng phụ của thuốc gồm: Buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt, đau đầu; bụng khó chịu, tiêu chảy hoặc táo bón; cảm thấy đói nhiều hơn hoặc ít đói hơn bình thường; khó ngủ; khô miệng; ho khan không khỏi; ngứa da; cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ; cảm thấy buồn, chán nản, lo lắng hoặc bồn chồn; xuất hiện các vấn đề liên quan đến tình dục.
“Trong một số ít trường hợp, tác dụng phụ của thuốc có thể nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Ví dụ, bệnh nhân có thể gặp các phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc”, TS Thúy khẳng định.
Mặt khác, vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên nhanh chóng liên hệ với y tế hoặc cấp cứu nếu có một trong những triệu chứng dưới đây khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới:
Thở khò khè hoặc khó thở.
Đau ngực hoặc tức ngực.
Bất tỉnh hoặc cảm thấy có thể ngất.
Sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng của bạn.
Co giật.
Theo TS Nguyễn Trang Thúy, các tác dụng phụ của thuốc có thể xuất hiện ngay khi chúng ta bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc vừa tăng liều lượng của thuốc. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong những giờ đầu tiên sau khi dùng thuốc như phản ứng dị ứng hoặc đau bụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, các tác dụng phụ lại có thể bắt đầu trong một tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi dùng thuốc như phát ban hoặc ho khan.
Trong những tình huống gặp phản ứng bất lợi của thuốc, TS Thúy khuyến cáo người dân nên gọi cho bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín ngay như bị ngứa hoặc phát ban (mụn đỏ nổi lên trên da có thể gây ngứa); cảm thấy khó chịu; đau bụng dữ dội, nôn mửa hoặc tiêu chảy; chán ăn; nhức, đau, sốt, suy nhược hoặc kiệt sức; nước tiểu màu sẫm, phân đen (đi ngoài) hoặc vàng da, mắt hay bất cứ triệu chứng khiến bạn lo lắng.
Một vấn đề quan trọng khác là tránh tâm lý chủ quan, nghĩ đơn giản là chỉ cần ngừng dùng thuốc sẽ có thể giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, trong một số tình huống điều trị, thuốc có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Việc ngừng thuốc có thể gây ra các vấn đề đáng lo khác, nên cần có sự tư vấn của bác sỹ chuyên môn để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó điều chỉnh liều lượng hoặc chuyển sang một loại thuốc khác nếu cần.
Cách ngăn ngừa hoặc đối phó khi gặp các tác dụng phụ
Uống thuốc đúng cách: Uống theo liều lượng ghi trên tờ thông tin sản phẩm. Thông thường, liều sử dụng thuốc trên bao bì đã tính toán dựa trên tuổi, cân nặng, các vấn đề sức khỏe cụ thể.
Sử dụng hộp thuốc có chia ngăn cho mỗi ngày trong tuần: Điều này có thể giúp chúng ta tránh dùng quá nhiều hoặc quá ít thuốc hay quên uống.
Kiểm tra các loại thuốc đang sử dụng: Trong các trường hợp đi khám, người dân nên mang theo một túi đựng tất cả loại thuốc đang dùng để được bác sĩ tư vấn về liều cũng như cách dùng.
Cẩn thận khi dùng chung thuốc khác: Một số loại thuốc không được uống lẫn với các loại thuốc khác, rượu hay các sản phẩm thảo dược… Do đó, bệnh nhân nên nói với bác sĩ hoặc dược sĩ để kiểm tra tương tác giữa các loại thuốc đang và sẽ dùng.
Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn, tìm cách xử trí các tác dụng phụ: Ví dụ, một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ. Tuy nhiên, nếu uống thuốc ngay trước khi ngủ, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Hay một số loại thuốc có thể gây táo bón, lúc này, chúng ta nên tăng cường ăn trái cây, rau củ, uống nhiều nước hơn.