PLBĐ - Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) đã phát hiện một số người có một loại gien đặc biệt có thể tạo ra phản ứng kháng thể lớn hơn sau khi tiêm chủng ngừa COVID-19.
Theo Daily Mail, khoảng 30 - 40% dân số có gien này, được gọi là HLA-DQB1*06. Loại gien này cung cấp cho họ mức độ bảo vệ đủ lớn để ngăn chặn hoàn toàn việc nhiễm virus hay vi khuẩn.
Gien này giúp hệ thống miễn dịch phân biệt các protein của cơ thể với các protein lạ được tạo ra bởi các loại virus và vi khuẩn. Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao có những người không bao giờ nhiễm COVID-19, ngay cả khi mọi người xung quanh đều đã nhiễm. Nhóm người này được mệnh danh là "nói không với COVID-19" và trước đây các nhà khoa học vẫn không thể lý giải vì sao.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Alexander Mentzer cho biết họ nhận thấy có sự khác biệt rất lớn về mức độ nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng, gien di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng nhiễm bệnh của một người. Họ đã kiểm tra mẫu máu của 1.600 người tham gia trong 5 thử nghiệm khác nhau. Những người này đã tiêm 1 mũi vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca.
Kết quả cho thấy những người mang gien HLA-DQB1*06 có nhiều kháng thể trong máu hơn so với những người khác.
Họ cũng xem xét tất cả các xét nghiệm COVID-19 hằng tuần trong hơn 1 năm kể từ khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên. Kết quả cho thấy trong số những người đã tiêm chủng, thì những người có gien HLA-DQB1*06 ít có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 hơn trong vòng 12 tháng.
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Julian Knight cũng cho hay, từ nghiên cứu này, họ đã có bằng chứng cho thấy cấu tạo gien tạo nên sự khác biệt về phản ứng miễn dịch sau khi tiêm ngừa Covid-19, theo Daily Mail.
Một nghiên cứu mới được công trước đó bởi Đại học Hoàng gia London (Anh) cho thấy rằng những người có mức tế bào T (một loại tế bào trong hệ thống miễn dịch) cao hơn từ coronavirus cảm lạnh thông thường ít có khả năng bị nhiễm SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19, Theo CNBC.
TS Rhia Kundu, tác giả đầu tiên của nghiên cứu từ Viện Tim và Phổi Quốc gia Imperial (Anh) cho biết: "Việc tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 không phải lúc nào cũng dẫn đến nhiễm trùng và chúng tôi rất muốn hiểu tại sao. Chúng tôi phát hiện ra rằng lượng tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra bởi cơ thể khi bị nhiễm các coronavirus khác ở người như cảm lạnh thông thường, có thể bảo vệ chống lại sự lây nhiễm COVID-19".
Tuy nhiên, TS Kundu cũng cảnh báo rằng, không phải ai cũng "nói không" được với COVID-19. Thay vào đó, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước COVID-19 là tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả tiêm liều nhắc lại.
Cũng theo CNBC, GS chuyên ngành ung thư phân tử học Lawrence Young thuộc ĐH Warwick (Anh) đã cho hay, có nhiều quan tâm đến những trường hợp được gọi là "không bao giờ bị nhiễm trùng" - những người rõ ràng đã tiếp xúc với những người tiếp xúc gần trong gia đình bị nhiễm bệnh, nhưng chính họ là những người có khả năng chống lại sự lây nhiễm.
Dữ liệu ban đầu cho thấy những người này đã có được khả năng miễn dịch tự nhiên khỏi những lần nhiễm coronavirus cảm lạnh thông thường trước đây. Ước tính, khoảng 20% trường hợp nhiễm lạnh thông thường là do coronavirus cảm lạnh thông thường. Nhưng tại sao một số cá nhân lại duy trì mức độ miễn dịch phản ứng chéo vẫn chưa được biết rõ.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.495.231 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.710 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 365 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.599.925 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 54 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 46 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 6 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Ngày 18/10 ghi nhận 1 ca tử vong tại: Sóc Trăng.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.159 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).