Tạm đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu: Chế tài nào để xử lý sai phạm?

Thanh Hải 27/03/2020 13:41

Theo luật sư, công văn của TP Hà Nội yêu cầu tạm đóng cửa quán bar, karaoke, vũ trường... không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên chưa thể áp dụng chế tài.

Ngày 24/3, TP Hà Nội có công văn hỏa tốc số 1001/UBND-KGVX về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, công văn yêu cầu tạm đóng cửa các cửa hàng dịch vụ, cơ sở kinh doanh không thiết yếu đến ngày 5/4.

Điều này khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi: Chế tài nào để xử lý sai phạm nếu cơ sở kinh doanh tự ý mở cửa?

Tạm đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu: Chế tài nào để xử lý sai phạm? - 1

Hàng quán cà phê, quán bar được TP Hà Nội yêu cầu tạm thời đóng cửa để phòng, chống COVID-19.

Ủy ban Nhân dân tỉnh là cơ quan ban hành Quyết định hành chính

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay, nguy cơ lây bệnh từ cộng đồng là rất cao bởi vậy ban chỉ đạo chống dịch thực hiện quyết liệt các biện pháp đặc thù, đặc biệt để khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh là cần thiết.

Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các biện pháp đặc thù chống dịch thì cần phải căn cứ vào các quy định pháp luật, đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo hoặc các lệnh cấm để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, hiệu lực của các văn bản này.

"Về mặt pháp lý thì các quyền đi lại, cư trú, hội họp, tự do kinh doanh, quyền tự do nhân thân, tự do hình ảnh, quyền về tài sản...là các quyền cơ bản của công dân được hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận bảo đảm thực hiện. Các quyền cơ bản này của công dân sẽ bị hạn chế trong trường hợp vì lợi ích quốc gia, lợi ích quốc phòng, lợi ích công cộng. Việc hạn chế các quyền này chỉ được thực hiện bằng các văn bản luật do Quốc hội ban hành", luật sư Cường nói.

Theo đó, Điều 52 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định, trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây: Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch. Đồng thời quy định Chính phủ hướng dẫn thi hành những nội dung này.

Tạm đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu: Chế tài nào để xử lý sai phạm? - 2

Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo Chương II, Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch như: Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng (Điều 15); Áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh (Điều 16); Áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch (Điều 17).

Điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng khi đang có là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.

Khi đã áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người thì việc hủy bỏ quyết định lệnh cấm được thực hiện khi cơ quan y tế có thẩm quyền xác định khống chế được dịch bệnh truyền nhiễm. Thẩm quyền quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng được khoản 4, Điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP.

"Theo quy định của pháp luật, việc áp dụng các biện pháp chống dịch đặc thù theo chương II, Nghị định 101/2010/NĐ-CP thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định hành chính, trong quyết định đó phải ghi rõ lệnh cấm ở khu vực nào, cấm với ai, cấm như thế nào, vào thời gian nào theo nội dung quy định tại Khoản 4, Điều 17, Nghị định 101/2010/NĐ-CP nêu trên", luật sư Cường chia sẻ.

Công văn số 1001 của Hà Nội không phải là văn bản quy phạm pháp luật

Đối với công văn số 1001 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới ban hành, theo ông Cường, đây là văn bản chỉ đạo, truyền tải thông tin, mệnh lệnh tới các cơ quan chức năng, không phải là văn bản áp dụng pháp luật, cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân.

Vì vậy, để thực hiện lệnh cấm kinh doanh, cấm đi lại, cư trú hoặc hạn chế kinh doanh, hạn chế đi lại, cư trú một cách có hiệu quả, đúng trình tự thủ tục luật định thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội nói riêng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh các địa phương nói chung sẽ căn cứ vào Điều 52 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Chương II của Nghị định 101/2010/NĐ-CP nêu trên để ban hành quyết định hành chính.

Trong Quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch (Điều 17) sẽ phải nêu rõ là cấm tụ tập đông người là tụ tập đến bao nhiêu người? cấm tụ tập ở những đâu? tụ tập với những ai? vào khung giờ nào? lệnh cấm bắt đầu từ bao giờ? Với việc cấm kinh doanh thì sẽ quy định cấm kinh doanh các loại hình nào, hàng hóa gì, khu vực nào?...

"Nếu không quy định cụ thể bằng Quyết định hành chính mà chỉ là các thông báo, công văn khuyến cáo thì sẽ rất khó áp dụng bởi thực tế hiện nay rất nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp có đến mấy chục người, thậm chí hàng trăm người lao động thường xuyên làm việc", luật sư Cường nhận định.

Cần quy định rõ, nếu cấm như vậy thì các cơ quan, công sở Nhà nước, các doanh nghiệp còn được phép hoạt động đông người hay không, những nơi như đường giao thông được phép tham gia giao thông bao nhiêu người, những công viên nơi tập thể dục thì bao nhiêu người được phép có mặt, người nào sẽ bị xử phạt, người nào không... Với một số quốc gia quy định cấm ra khỏi nhà thì cứ ai ra khỏi nhà là bị phạt trừ một số trường hợp đặc biệt mà họ có quy định cụ thể...

Theo luật sư Cường, khi địa phương có Quyết định hành chính lệnh cấm kinh doanh, cấm tập trung đông người để chống Covid-19, những ai cố tình không chấp hành thì người vi phạm có thể bị phạt đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4, điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

"Trường hợp “Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch” thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 6 của điều luật này", luật sư Cường nói.

Đối với trường hợp vi phạm lệnh cấm tập trung đông người nơi công cộng, còn dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh, đến mức cơ quan chức năng phải công bố tình trạng dịch bệnh thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình phạt đối với hành vi này có thể lên đến 12 năm tù, đồng thời phải bồi thường thiệt hại gây ra với Nhà nước và tổ chức, cá nhân.

Bởi vậy, khi các địa phương ban hành lệnh cấm tụ tập, tập trung đông người thì người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, trường hợp cố tình vi phạm thì sẽ bị chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Khoản 4, Điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định như sau: - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp huyện;

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra trên địa bàn từ hai huyện trở lên theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh;

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng đối với các hoạt động, dịch vụ có quy mô lớn ở trong nước.

Nội dung của Quyết định áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng phải quy định rõ các hình thức tập trung đông người, hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng bị cấm, phạm vi và thời gian áp dụng quyết định; phải quy định rõ các hình thức tập trung đông người, hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng được hủy bỏ quyết định cấm, phạm vi và thời gian áp dụng quyết định.

Trường hợp hết thời gian trong quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng nhưng vẫn chưa khống chế được dịch, Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tương ứng hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét, quyết định việc ban hành quyết định điều chỉnh thời gian áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

(Theo VTC News)

https://vtc.vn/doi-song/tam-dong-cua-hang-dich-vu-khong-thiet-yeu-che-tai-nao-de-xu-ly-sai-pham-ar535931.html

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tạm đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu: Chế tài nào để xử lý sai phạm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO