Ngày 8/3, rất nhiều người phụ nữ nhận được bó hoa hay những món quà ý nghĩa, lời chúc tốt đẹp từ phái mạnh trao tặng thì đâu đó vẫn có những người phụ nữ không 8/3 là ngày gì. Với họ đó chỉ là một trong những ngày bình thường như bao ngày khác.
Mỗi năm cứ đến ngày 8/3, các đấng "mày râu" lại có dịp bày tỏ tấm lòng bằng những lời chúc, món quà đầy ý nghĩa gửi tới mẹ, vợ, người yêu hay bạn bè. Điều đó thể hiện sự tôn vinh vẻ đẹp và sự hy sinh của người phụ nữ mà cả thế giới dành cho họ.
Thế nhưng còn có rất nhiều phụ nữ vì cuộc sống mưu sinh họ không biết đó ngày gì, thậm chí một lời chúc còn là khái niệm xa xỉ với họ trong ngày này. Họ là những công nhân bốc vác, phụ hồ, chài lưới… Vì hoàn cảnh gia đình, họ mải mê mưu sinh.
Với chị Lê Thị Hà (55 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vì cuộc sống mưu sinh thường nhật, mải lo miếng cơm manh áo cho gia đình nên chẳng bao giờ nghĩ đến ngày 8-3. Hằng ngày không kể mưa hay nắng, trên chiếc xe đạp cà tàng chị rong ruổi khắp các ngõ ngách để thu mua phế liệu. Cứ thế, chị sáng đi tối về, buổi trưa ăn vội ổ bánh, uống ngụm nước, người chưa ráo mồ hôi lại miệt mài “đổ bóng” dưới cái nắng đầu hè mưu sinh.
"Tôi đi làm chẳng quan tâm, để ý gì đến ngày 8/3. Thấy người ta chúc tụng, tặng nhau những bó hoa, lẵng hoa to đẹp mà xót ruột, chắc phải tốn nhiều tiền lắm", bà Hà chia sẻ.
Vào ngày này, trên khắp nẻo đường, hình ảnh những sạp hoa với đủ màu sắc bắt mắt, đẹp đẽ cùng dòng người tấp nập chọn và mua hoa để tặng bà, tặng mẹ là hình ảnh đễ nhận thấy nhất so với bình thường.
Tuy nhiên, xen lẫn trong đó là những phụ nữ kẽo kẹt gánh hàng rong trên đôi vai nặng trĩu và những xe thồ, xe đẩy, họ phải làm những công việc nặng nhoc như bao ngày thường.
Những con người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trong những ngày này niềm vui lớn nhất đối với họ là làm sao kiếm được đồng tiền, miếng cơm manh áo cho gia đình. Đó là niềm hạnh phúc nhất đối với họ.
Chị Trần Thị Phương (ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, bán hàng rong) tâm sự: "Ngày 8/3 là ngày của giới trẻ hay của những gia đình có điều kiện, chứ đối với những chị em làm nghề như chúng tôi có bao giờ dám nghĩ đến đâu. Thấy họ được tặng hoa, được đi chơi tôi cũng thấy thích, nhưng biết làm sao được, âu cũng là cái số của từng người".
Bươn chải ngược xuôi giữa dòng đời, những người phụ nữ này chưa bao giờ có ý niệm về ngày 8/3, ngày mình được tôn vinh. Với họ, ngày nào cũng là ngày phải bươn chải mưu sinh. Họ tất bật với những gánh hàng rong sờn vai áo, mồ hôi chảy dài trên những khuôn mặt đen sạm vì thời gian. Những chiếc xe đạp cũ kỹ, những chiếc rổ,...là “cần cầu cơm” nuôi cả gia đình.
Bê chậu hải sản nặng trĩu từ dưới biển lên, chị Thương (37 tuổi, ở Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết, chị làm nghề bán cá từ rất lâu rồi, hôm nay thời tiết đẹp chị tranh thủ ra biển từ sáng sớm đợi tàu thuyền về để chọn thu mua những hải sản tươi ngon mang lên chợ huyện bán.
"Những ngày thời tiết thuận lợi, ngư dân đánh bắt được nhiều hải sản tôi lại phải ra biển từ sáng sớm để lấy hàng rồi mang ra chợ huyện cách hơn chục km để bán. Thấy hôm nay dọc đường họ bán đầy hoa tươi tôi mới để ý là ngày 8/3, chứ thực ra những người như chúng tôi thì nghĩ gì đến ngày này, chỉ mong buôn may bán đắt là thấy vui lòng rồi", chị Thương cho hay.
Trong dòng chảy tấp nập của cuộc sống mưu sinh, nhiều người phụ nữ đang ngày đêm hy sinh bản thân mình để lo cho mái ấm gia đình. Những khóe mắt khẽ cười, nhưng chắc chắn đó không phải niềm vui vì ngày 8/3 họ sẽ được tặng hoa, tặng quà, mà đó là niềm mong mỏi một ngày mới buôn may, bán đắt.
Chúc cho những người phụ nữ không có ngày 8/3 hãy sống thật hạnh phúc giữa dòng đời đầy lo toan, vất vả này.